Mặc dù là một trong những nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới, thế nhưng, hình ảnh trực diện của sản phẩm thủy sản Việt Nam với người tiêu dùng vẫn chưa thực sự nổi bật, ấn tượng. Khắc phục điểm yếu này là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng; và hội chợ, triển lãm được xem là cơ hội cực tốt.
Quảng bá giới thiệu sản phẩm nông, thủy sản thông qua các hội chợ, triển lãm
Tham gia rộng rãi
Hằng năm, tại Việt Nam có rất nhiều các hoạt động quảng bá giới thiệu sản phẩm nông, thủy sản thông qua các hội chợ, triển lãm trong nước; với thủy sản phải kể đến như VietFish, VietShrimp… Không chỉ vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cũng rất tích cực tham gia các hội chợ triển lãm chuyên ngành tại nhiều quốc gia. Đây được coi là cơ hội tốt để người tiêu dùng thế giới biết nhiều hơn đến sản phẩm thủy sản của Việt Nam, đồng thời giúp các doanh nghiệp nắm bắt được thị hiếu và nhu cầu của thị trường.
Bà Trương Thị Lệ Khanh, Tổng Giám đốc Công ty CP Vĩnh Hoàn chia sẻ, việc triển khai các chương trình kích cầu là hết sức cần thiết để mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm cá tra. Ngành cá tra cần xây dựng chiến lược truyền thông một cách căn cơ, chuẩn bị đủ những dữ liệu, dẫn chứng thông tin đủ sức thuyết phục để ứng phó với các thông tin bất lợi về sản phẩm. Hiệu quả truyền thông đóng vai trò rất quan trọng trong việc phục hồi nhu cầu của thị trường châu Âu, một thị trường có ý thức sử dụng hàng hóa rất cao, chấp nhận trả giá cao cho sản phẩm có chất lượng tốt, đảm bảo sự phát triển bền vững.
Chính vì thế, tại các hội trợ, triển lãm thủy sản lớn trên thế giới ngày càng có thêm nhiều gian hàng trưng bày sản phẩm đến từ Việt Nam và đều nhận được những phản hồi tích cực. Tại Hội chợ Thủy sản Boston 2019 (Mỹ), Việt Nam có 15 doanh nghiệp tham gia gồm một số công ty đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường quốc tế nhiều năm nay như Vĩnh Hoàn, Minh Phú, Hùng Vương… Còn tại Hội chợ Brussels (Bỉ), có tới 25 doanh nghiệp tham gia giới thiệu đa dạng các loại thủy sản như tôm sú, TTCT, cá tra, cá ngừ, mực, bạch tuộc…
Tham gia Hội chợ Brussels, Công ty CP Thực phẩm Sao Ta đã gặp các đối tác bàn luận kế hoạch lâu dài, nhất là việc mở rộng mặt hàng tôm bao bột; Công ty đã thỏa thuận hợp đồng 322 tấn với một đối tác lớn. Đây là một hội chợ thành công của Sao Ta.
Cũng tại Hội chợ Brussels, IDI đã giới thiệu cho khách tham quan các dòng sản phẩm độc đáo từ con cá tra như: cá tra cắt khúc, fillet, bong bóng cá, vây cá, ức cá, bột cá và mỡ cá thô; đặc biệt là dầu ăn cao cấp Ranee được chiết xuất 100% từ cá tra. Đây là cơ hội mới để Công ty giới thiệu, quảng bá sản phẩm, xúc tiến và tìm kiếm thêm những đối tác tại thị trường EU…; đồng thời cũng là dịp để IDI hỗ trợ cho các nhà phân phối sản phẩm tại thị trường này về hình ảnh và thương hiệu.
Thay đổi cách thức XTTM
Ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm XTTM nông nghiệp cho biết, năm 2019, Trung tâm sẽ tập trung tổ chức hiệu quả các hội chợ đặc thù nhằm quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm; tôn vinh những sản phẩm nông, lâm, thủy sản chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm của các vùng miền cả nước. Đồng thời, tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế trong xúc tiến thương mại (XTTM), tổ chức các đoàn doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam cùng tham gia, củng cố, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Tại Chỉ thị 09/CT-TTg về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ NN&PTNT tích cực đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, giữ ổn định các thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng các thị trường tiềm năng; hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc vào một thị trường nhất định, đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu về truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm nông, lâm, thủy sản xuất khẩu. Đồng thời, tăng cường XTTM đối với ngành hàng cá tra, tôm nước lợ, duy trì ổn định các đơn hàng với những đối tác trước đây bằng chất lượng, giá cả sản phẩm và truy xuất nguồn gốc; nâng cao năng suất, sản lượng gắn với kiểm soát chặt điều kiện cơ sở nuôi, chế biến, xuất khẩu và chất lượng sản phẩm; phát triển dòng sản phẩm mới, giá trị cao; cải thiện chất lượng con giống để nâng cao hiệu quả sản xuất; ứng dụng truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm nông sản nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng.
>> Theo các chuyên gia, với dân số gần 100 triệu người và hơn 15 triệu lượt khách du lịch quốc tế mỗi năm, thị trường nội địa chính là nơi giải quyết đầu ra cho các doanh nghiệp quy mô nhỏ, đặc biệt là các doanh nghiệp chưa có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng của khu vực và thế giới. Cùng đó, các doanh nghiệp cần mở rộng sang các thị trường mới nhiều tiềm năng. |
An An