THỨ BA, ngày 21/1/2025

Cơ hội rộng mở trong nuôi cá lăng chấm

Chưa có đánh giá về bài viết

Nhằm đáp ứng nhu cầu nuôi ngày một tăng, vừa qua, dự án về sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm cá lăng chấm trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã được triển khai, Công ty TNHH MTV Tư vấn Dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao thực hiện.

Nhân tạo và nuôi thương phẩm cá lăng chấm 

Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm cá lăng chấm trên sông Lô tại tỉnh Phú Thọ” được triển khai trong 3 năm từ năm 2017 – 2019. Mục tiêu tiếp thu và làm chủ được công nghệ sinh sản nhân tạo, công nghệ nuôi thương phẩm để xây dựng mô hình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá lăng chấm trong lồng trên sông Lô nhằm khai thác và phát triển giống cá có lợi thế, phục vụ Chương trình phát triển thủy sản tại tỉnh Phú Thọ. Dự án triển khai thực hiện song song hai mô hình là sinh sản nhân tạo để sản xuất cá giống và nuôi thương phẩm trong lồng trên sông.

Sau hơn hai năm rưỡi triển khai thực hiện, trải qua không ít thất bại cả về công sức lẫn kinh phí, cuối cùng niềm vui đã đến khi các mục tiêu, chỉ tiêu của dự án thành công ngoài mong đợi. Cụ thể, trong quá trình thực hiện, Công ty TNHH MTV Tư vấn dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao đã cho 30 cá bố mẹ sinh sản (cá có trọng lượng trung bình > 2,5 kg/con); tỷ lệ cá đực/cái 1:1,5 trong đó: 12 cá đực, 18 cá cái; cá khỏe mạnh, đồng đều về kích cỡ, thành thục tốt, đảm bảo lai xa tránh đồng huyết). Trong quá trình thụ tinh tỷ lệ cá cái đẻ: 14/18 con (80%); tổng số trứng đẻ: 82.013 quả; số trứng thụ tinh 40.462 (50%); số cá nở: 23.296 (trong đó: Cá bột: 21.702, cá dị hình: 1.594). Kết quả đã thu được 21.702 con cá bột, ương được 15.902 con cá hương. Nuôi từ cá hương lên cá giống được 10.500 con cá giống cỡ 4 – 6 cm, tỷ lệ sống 82%

Mô hình nuôi thử nghiệm ở 3 lồng cá trên sông với 3.000 con giống đã mang lại hiệu quả. Lồng được đặt ở nơi nước chảy không quá mạnh, lưu tốc dòng chảy 0,3 – 0,5 m/giây; mật độ nuôi 7 con/m2. Trong quá trình nuôi thường xuyên theo dõi các chỉ tiêu sinh trưởng, môi trường như nhiệt độ, ôxy, pH; hàng tuần thu mẫu và phân tích các chỉ tiêu thủy hóa như NH3, NO2, H2S; đồng thời theo dõi khả năng sinh trưởng phát triển của cá bằng cách cân mẫu; theo dõi tiêu tốn thức ăn cho từng giai đoạn.

Cá lăng chấm ít bị bệnh, tỷ lệ sống cao, giá bán cao và dễ bán. Tuy nhiên, để mở rộng mô hình nuôi loài cá này cũng không dễ, bởi cá lăng chấm “kỹ tính” vì đòi hỏi môi trường nước nuôi phải luôn trong sạch; trong khi giá con giống cao và thời gian nuôi dài (≥ 18 tháng), nên người nuôi cần phải có nhiều vốn để xoay vòng bởi thời gian thu hồi vốn lâu.

Thành công trong việc sản xuất giống cá lăng chấm bằng phương pháp nhân tạo sẽ mở ra triển vọng mới cho nghề nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, người nuôi có thể chủ động về con giống để phát triển trên diện rộng. Ðồng thời, khẳng định những bước tiến mới về sự trưởng thành và phát triển của đội ngũ các nhà nghiên cứu, nhà khoa học cũng như các cơ quan quản lý của tỉnh trong quá trình tiếp cận với trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến. Góp phần đưa nhiều giống vật nuôi mới có chất lượng và hiệu quả cao vào sản xuất, nhất là trong lĩnh vực nuôi thủy sản.

Sao Mai

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!