Gỡ bỏ cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản khai thác IUU nên được coi là động lực giúp các quốc gia, trong đó có Việt Nam tái cơ cấu, hiện đại hóa ngành thủy sản, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Việt Nam đang nỗ lực nhằm sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” về chống khai thác IUU. Ảnh: TL
Hệ lụy từ “thẻ vàng”
Sau hơn 1 năm kể từ khi Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra cảnh báo “thẻ vàng” IUU đối với Việt Nam, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành trung ương, các tỉnh, thành phố ven biển và cả hệ thống chính trị đã tập trung vào cuộc chỉ đạo, quyết liệt.Tại cuộc họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo quốc gia về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ, ngay sau khi thủy sản xuất khẩu vào thị trường EU bị áp dụng biện pháp “thẻ vàng”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo quyết liệt nhằm sớm gỡ bỏ “thẻ vàng”.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua, các bộ, ban, ngành và UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển đã có nhiều nỗ lực trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, nhất là tập trung vào các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC) về chống khai thác IUU.
Đến nay, đã đạt được một số kết quả bước đầu đáng ghi nhận như đã hoàn thành xây dựng khung pháp lý để quản lý, phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế; đã ngăn chặn và chấm dứt hoàn toàn tình trạng tàu cá, ngư dân ta xâm phạm và khai thác hải sản trái phép ở vùng biển các nước quốc đảo Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nhận xét, dù đạt được một số kết quả bước đầu đáng ghi nhận, công tác chống khai thác IUU vẫn chưa đạt yêu cầu theo các khuyến nghị của EC…
Về nguyên nhân của những tồn tại, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cho rằng, do các biện pháp xử phạt đối với chủ tàu, thuyền trưởng có tàu cá khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài thực hiện chưa nghiêm, nhiều địa phương chưa xử phạt hoặc xử phạt không đáng kể so với số vụ việc vi phạm. Hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát vùng biển do địa phương quản lý để xử lý các hành vi khai thác IUU trong nước chưa đáp ứng yêu cầu, nên tình trạng khai thác IUU ở vùng biển ven bờ vẫn còn diễn ra phổ biến.
Từ thực tế của các địa phương, một số chuyên gia cho rằng, khó khăn nhất để thực hiện các khuyến nghị từ EC là nhiều ngư dân chưa nhận thức mối nguy hại từ việc đánh bắt thủy sản trái phép. Vì vậy, giải pháp khắc phục là tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật cho chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân trong việc đánh bắt thủy sản hợp pháp.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: “Khi bị cảnh báo “thẻ vàng”, 100% lô hàng thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của Việt Nam bị kiểm tra khi xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Nếu không giải quyết được các vấn đề về khai thác IUU, Việt Nam sẽ bị xác định là quốc gia không hợp tác và có thể sẽ bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ”.
Trường hợp bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ”, tất cả sản phẩm thủy sản từ khai thác của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU. Do EU là thị trường tín chỉ nên các thị trường khác có thể sẽ áp dụng biện pháp tương tự với hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam”.
Thực tế, việc bị áp dụng “thẻ vàng” là trở ngại lớn cho xuất khẩu thủy sản khi Việt Nam đang đứng thứ tư thế giới về xuất khẩu thủy sản.
Năm 2019, ngành thủy sản đặt kế hoạch xuất khẩu đạt kim ngạch 10 tỷ USD, tuy nhiên, với sự chậm trễ từ việc gỡ “thẻ vàng” chống khai thác IUU có thể ảnh hưởng rất lớn đến doanh số xuất khẩu mặt hàng này.
Theo Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam, do bị áp dụng “thẻ vàng”, 100% lô hàng hải sản Việt Nam vào thị trường EU bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác. Điều này khiến phát sinh thêm chi phí do thời gian kiểm tra kéo dài cùng nguy cơ rủi ro của doanh nghiệp.
Thống kê cho thấy, mỗi năm xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU đạt từ 350 – 400 triệu USD, chiếm 16-17% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu hải sản của cả nước. Tuy nhiên, từ khi bị áp dụng “thẻ vàng”, xuất khẩu một số mặt hàng thủy sản sang EU đã giảm 4 – 20%.
Mục tiêu lấy lại “thẻ xanh”
Liên quan đến 9 khuyến nghị của EC đối với hải sản khai thác của Việt Nam để bảo đảm khai thác một cách bền vững Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Về mặt tích cực, đây là cơ hội bởi vì các khuyến nghị này trùng với quyết tâm của Việt Nam nhằm xây dựng nghề cá bền vững. EU cũng đã ghi nhận những kết quả của Việt Nam đã đạt được.
Nhiều chuyên gia cũng đồng tình, “thẻ vàng” nên được coi là động lực giúp các quốc gia, trong đó có Việt Nam tái cơ cấu, hiện đại hóa ngành thủy sản, chuyển từ “nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm”; nâng cao năng lực cạnh tranh.
Để kiên quyết hơn trong xử lý vi phạm, ngày 20/5/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 596/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU, nhằm tăng cường khắc phục “thẻ vàng” của EC.
Theo đó, Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU tích cực tham mưu, tổng hợp, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các giải pháp cấp bách, trọng tâm, trong đó, ưu tiên triển khai thực hiện về chống khai thác IUU; kiến nghị, đề xuất giải quyết các vướng mắc trong triển khai thực hiện chống khai thác IUU của các bộ, ban, ngành, địa phương khi có vấn đề vượt thẩm quyền. Đây là những động thái quyết liệt của Chính phủ Việt Nam trong việc nỗ lực gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam.
Tại cuộc họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo cần xác định nhiệm vụ chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu.
Về kiểm soát tàu cá vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và PTNT tham mưu, tổ chức buổi làm việc giữa Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU và Bộ Quốc phòng để thống nhất giải pháp ngăn chặn, chấm dứt tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Về triển khai hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chịu trách nhiệm bố trí kinh phí thuê hạ tầng thông tin phục vụ giám sát hành trình tàu cá, hoàn thành trong tháng 7/2019.
Phó Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ động hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và PTNT trong việc triển khai hạ tầng thông tin phục vụ giám sát tàu cá, Dự án Thông tin nghề cá giai đoạn II; phối hợp trong việc lựa chọn, đánh giá các đơn vị tư vấn kỹ thuật, cung cấp thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo quy định. Tiếp tục giao và chỉ đạo Tập đoàn viễn thông Việt Nam (VNPT) phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT triển khai thí điểm hệ thống VNPT-VSS…
Thế Vũ
Theo Báo Công Luận