T2, 06/07/2020 01:44

Giải tỏa khó khăn trong hậu cần nghề cá

Chưa có đánh giá về bài viết

Tại một hội nghị bàn về xây dựng hạ tầng nghề cá mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, một trong những trở ngại cho phát triển khai thác hiện nay chính là hạ tầng nghề cá (cảng cá, khu neo đậu tránh, trú bão…) chưa đáp ứng sự phát triển và yêu cầu đặt ra.


Cần thiết đầu tư cho cơ sở hạ tầng cảng cá, khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu cá

Bất cập

Theo Tổng cục Thủy sản, đầu tư cho cơ sở hạ tầng cảng cá, khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu cá thời gian qua còn nhiều hạn chế; vốn đầu tư xây dựng hàng năm thấp; thiếu nguồn nhân lực; thiếu kinh phí cho quá trình duy tu, sửa chữa định kỳ; tên gọi, chức năng, nhiệm vụ, mô hình quản lý cảng cá, khu neo đậu không thống nhất trong toàn quốc… Thực tế, hầu hết cảng cá được xây dựng từ lâu nên thiếu nhiều hạng mục quy định tại Điều 78 của Luật Thủy sản 2017, điển hình như: Các trang thiết bị bốc dỡ hàng hóa; hệ thống xử lý nước thải, hệ thống điện, nước, hệ thống phòng chống cháy nổ… chưa đảm bảo khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn, đồng thời không phù hợp để các tàu cá có công suất và chiều dài lớn cập cảng.

Tại Quảng Trị, toàn tỉnh có 3 cảng cá gồm: Cửa Việt, Cửa Tùng và Cồn Cỏ. Đánh giá của Sở NN&PTNT tỉnh, chất lượng cảng cá Cửa Tùng và Cửa Việt đều không đạt quy hoạch và yêu cầu thực tế. Cửa Việt được quy hoạch là cảng cá loại I, Cửa Tùng quy hoạch cảng cá loại II, nhưng các hạng mục, phân khu chức năng đều xuống cấp, cầu cảng không có mái che. Ghi nhận tại cảng cá Cửa Việt, bến cảng thường xuyên tiếp nhận tàu cá trong và ngoài tỉnh Quảng Trị. Tuy nhiên, bến đã quá tải, thiết kế cho tàu cá có công suất tối đa 250 CV cập cảng, trong khi có nhiều tàu vỏ thép công suất lên đến 1.000 CV có nhu cầu. Chưa kể, bến cảng đã bị xuống cấp, bong tróc và không có mái che. Tháng 5/2019, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá tỉnh Quảng Trị với tổng kinh phí 400 tỷ đồng từ nguồn bồi thường sự cố môi trường biển. Tỉnh dự kiến dùng nguồn vốn này để đầu tư nâng cấp, mở rộng cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão Cửa Việt; khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá Bắc Cửa Việt; nâng cấp, sửa chữa cảng cá Cửa Tùng…

Tỉnh Quảng Bình hiện có 2 cảng cá hoạt động với quy mô 80 tàu/ngày với lượng hàng hóa qua cảng 22.000 tấn/năm (Cảng cá Sông Gianh năng lực 50 tàu/ngày, hàng qua cảng 12.000 tấn/năm và Cảng cá Nhật Lệ năng lực 30 tàu/ngày, hàng qua cảng 10.000 tấn/năm); Tuy nhiên, 2 cảng này chỉ đáp ứng khoảng 30% số lượng tàu cá cập cảng và chưa đáp ứng được yêu cầu tàu cá có chiều dài 15 m trở lên. Mặt khác, nhiều chủ tàu cá cư trú cách 2 cảng 60 – 70 km, nên việc yêu cầu các chủ tàu, thuyền trưởng vào cảng để nộp nhật ký và báo cáo khai thác là khó thực hiện. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng ở các cảng cá chưa được cơ giới hóa phục vụ bốc dỡ hàng hóa do thiếu vốn đầu tư.

Để khắc phục tình trạng này, tỉnh hiện đang đầu tư xây dựng 2 cảng cá là: Cảng Roòn năng lực 60 tàu/ngày, hàng qua cảng 9.000 tấn/năm và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Nhật Lệ (Dự án Cảng cá Nhật Lệ) năng lực 80 lượt tàu/ngày, hàng hóa qua cảng 25.000 tấn/năm. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh cũng đã được phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng các bến dịch vụ hậu cần nghề cá để phục vụ bốc dỡ thủy sản.

Đồng bộ

Thời gian tới, Bộ NN&PTNT định hướng đầu tư cảng cá, khu neo đậu, tránh trú bão cho phương tiện nghề cá đảm bảo tính đồng bộ, nâng cao giá trị gia tăng phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng kết hợp với dịch vụ hậu cần tại các cảng cá, khu neo đậu theo quy hoạch, phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng các cảng cá loại I (tổng lượng hàng qua cảng đạt khoảng 1,37 triệu tấn/năm), các khu neo đậu cấp vùng (tổng công suất đáp ứng khoảng 36.000 tàu vào neo đậu), hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý nghề cá trên biển đảm bảo yêu cầu giám sát hơn 30.000 tàu cá có chiều dài trên 12 m…

Với tỉnh Quảng Bình, để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý tại cảng cá, UBND tỉnh đã đề nghị Bộ NN&PTNT sớm quy định lộ trình thực hiện việc yêu cầu các tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên phải cập cảng chỉ định phù hợp với cơ sở hạ tầng hiện có; tăng cường chính sách đầu tư của Nhà nước, thu hút đầu tư của tư nhân vào hạ tầng nghề cá; đồng thời hỗ trợ, bố trí kinh phí đầu tư nâng cấp Cảng cá Sông Gianh đạt cảng cá loại I theo quy hoạch tại Quyết định số 1976/QĐ-TTg; sớm ban hành tiêu chí cảng cá chỉ định cho phép tàu cá 15 m trở lên và tàu cá nước ngoài cập cảng; rà soát, thống nhất quy định kiểm tra tàu cá tại cảng theo Quyết định số 27/QĐ-BNN-TCTS và Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT để tránh chồng chéo, trùng lặp và sớm có quy định về việc kiểm tra, giám sát sản lượng đối với tàu cá cập, bốc dỡ hàng hóa tại khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, việc đầu tư, nâng cấp là xu thế tất yếu nhằm nâng cao năng lực cho ngành thủy sản cả nước, có tính chất quyết định chuyển đổi từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm. Do đó, yêu cầu các tỉnh, thành phố ven biển tiến hành rà soát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão làm cơ sở tham mưu trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão theo đúng kế hoạch. Tập trung bố trí vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp các cảng cá, nâng cao năng lực hoạt động tại các cảng cá; tăng cường kiểm tra, kiểm soát tàu thuyền… nhằm đảm bảo theo đúng chỉ đạo của Chính phủ về khắc phục hạn chế, gỡ “thẻ vàng” của EC.

>> Cả nước hiện có 83/125 cảng cá đã được đầu tư, nâng cấp với tổng công suất khoảng 1,8 triệu tấn thủy sản qua cảng/năm; 83/146 khu neo đậu tránh trú bão được đầu tư với tổng công suất gần 52.000 tàu. Tổng mức đầu tư giai đoạn 2011 – 2020 gần 9.000 tỷ đồng.

Ngọc Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!