THỨ TƯ, ngày 22/1/2025

Nuôi trồng thủy sản hướng đến mục tiêu bền vững

Chưa có đánh giá về bài viết

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong tổng giá trị sản xuất toàn ngành năm 2018, kinh tế ngành thủy sản chiếm tỷ trọng 55,91%, tăng 10,58% so với năm 2017.

Người dân xã Phước Dinh (Thuận Nam) kiểm tra quá trình sinh trưởng của ốc hương. Ảnh: Văn Nỷ

Điều này cho thấy thủy sản vẫn đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế ngành nông nghiệp tỉnh nhà. Riêng trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản (NTTS), ngoại trừ hoạt động nuôi tôm thương phẩm không thuận lợi, nhìn tổng thể NTTS vẫn tiếp tục tạo bước chuyển biến mới, trong đó chủ yếu là sản xuất giống TS mà nổi bật là ngành sản xuất tôm giống.

Với khoảng 450 cơ sở hoạt động sản xuất tôm giống trong toàn tỉnh, trong đó có khoảng 250 cơ sở chuyên sản xuất giống tôm thẻ và 200 cơ sở sản xuất giống tôm sú, đến cuối năm sản lượng sản xuất tôm giống đạt 31 tỷ con (trong đó có 25 tỷ con tôm thẻ giống và 6 tỷ con tôm sú giống), vượt 24 % kế hoạch năm và tăng 13,2 % so với cùng kỳ. Anh Dư Ngọc Tuân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh chia sẻ: “Nguyên nhân vượt kế hoạch là nhờ tình hình thời tiết diễn biến khá ổn định, quá trình ương nuôi ấu trùng khá hiệu quả, kết hợp việc áp dụng đầu tư kỹ thuật công nghệ hiện đại nên tỷ lệ sống của ấu trùng khá cao”. Đặc biệt qua việc ký kết biên bản hợp tác tăng cường công tác quản lý chất lượng giống thủy sản với các tỉnh miền Tây, đã hạn chế được tình trạng xuất tôm theo dạng “hàng chợ”. Bên cạnh tôm giống, các cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh giống còn sản xuất 130 triệu con ốc hương giống cung cấp cho người nuôi theo hướng đa dạng đối tượng nuôi nhằm giảm thiểu rủi ro. Có thể khẳng định lĩnh vực sản xuất giống TS tiếp tục phát triển và giữ ưu thế là trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng, sẵn sàng đáp ứng 25- 30 % nhu cầu giống TS tôm của cả nước, được thị trường đánh giá cao.

Trong lĩnh vực nuôi TS thương phẩm, việc nuôi các hải đặc sản đều duy trì ổn định, một số đối tượng nuôi đạt sản lượng cao. Những ngày cuối năm 2018, có dịp đến nhiều địa phương ven biển có thế mạnh nuôi TS, chúng tôi ghi nhận nhiều hộ nuôi có xu hướng chuyển đổi sang phương thức nuôi mới một số đối tượng đạt được kết quả khả quan như: Ốc hương nuôi tại Ninh Hải, Thuận Nam; rong nho, rong sụn tại thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải); nuôi cá bớp lồng bè tại vịnh Phan Rang và hàu Thái Bình Dương, cua, ghẹ tại Đầm Nại… Đơn cử về nuôi ốc hương, nếu ở Tân An, xã Tri Hải (Ninh Hải) nuôi theo hình thức nuôi ao đất thì tại Từ Thiện, xã Phước Dinh (Thuận Nam) và một số xã ven đầm Nại, xã Hộ Hải, xã Tân Hải lại nuôi trên ao lót bạt. Ước đến cuối năm 2018, diện tích thả nuôi ốc hương thương phẩm toàn tỉnh là khoảng 66 ha (Thuận Nam 46 ha và Ninh Hải 20 ha), đạt 102,9 % kế hoạch và tăng 7,7% cùng kỳ; với năng suất thu hoạch 25- 30 tấn/ha và giá bán khá cao, dao động 180.000 – 380.000 đồng/ kg, hầu hết người nuôi đều có lãi. Tương tự, cá bớp được nuôi xen kẽ trong các bè nuôi tôm hùm tại vùng Mỹ Tân, Vĩnh Hy, khu vực C1, C2 (Ninh Hải) hoặc chuyên nuôi tại xã Cà Ná (Thuận Nam) cũng có tốc độ phát triển nhanh, sản lượng thu hoạch trong năm khoảng 221 tấn (tăng 47,5%, gần gấp đôi năm 2017), có giá bán cao (dao động 170.000 – 195.000 đồng/kg) và ổn định nên hiệu quả kinh tế cao.

Đối với nuôi tôm thương phẩm trong năm qua, với tổng diện tích tôm thịt thả nuôi toàn tỉnh khoảng 952 ha (bao gồm 65 ha tôm sú và 887 ha tôm thẻ chân trắng), trong đó chiếm 51,68% diện tích thả nuôi tập trung tại khu vực đầm Nại (Ninh Hải), qua thu hoạch cho sản lượng 6.957 tấn, tức chỉ đạt 88,6 % kế hoạch năm và bằng 97,5% so với cùng kỳ. Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, dù diện tích thả nuôi cao, vượt 14,7 % kế hoạch năm và tăng 3,3% so với năm 2017, song do nhiều hộ nuôi tại đầm Nại chuyển đổi hình thức nuôi từ thâm canh, bán thâm canh sang quảng canh cải tiến nên năng suất thu hoạch giảm. Mặt khác do tình hình thời tiết không ổn định, bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính diễn ra rải rác tại hầu hết các vùng nuôi từ đầm Nai đến các khu vực nuôi tôm khác như xã An Hải (Ninh Phước) và xã Phước Dinh (Thuận Nam) cũng tác động. Đồng chí Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhận xét: Ngoài các nguyên nhân trên, thì các mô hình nuôi TS, nhất là nuôi tôm thương phẩm ở tỉnh ta đã lạc hậu so với các tỉnh bạn cũng là vấn đề cần quan tâm hiện nay.

Từ tình hình thực tế trong nuôi tôm thương phẩm, sản xuất giống và các đối tượng hải đặc sản trong năm qua, bước sang năm 2019, Chi cục Thủy sản tỉnh đề xuất một số chỉ tiêu chủ yếu, phấn đấu có tổng lượt diện tích nuôi TS thương phẩm đạt 1.183 ha; sản lượng TS thương phẩm sản xuất đạt 9.955 tấn; sản xuất giống thủy sản đạt 33,2 tỷ con. Để thực hiện nhiệm vụ trên, giải pháp là tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương các cấp giám sát chặt chẽ hoạt động sản xuất NTTS; giới thiệu nhân rộng các mô hình nuôi thành công trên địa bàn tỉnh và định hướng các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư phát triển công nghệ sản xuất giống thủy sản sạch bệnh, chất lượng cao. Riêng lĩnh vực nuôi tôm thương phẩm, tiếp tục áp dụng những quy trình nuôi tiên tiến, hiệu quả, hướng đến ổn định diện tích thả nuôi và tăng năng suất thu hoạch.

Bạch Thương

Theo Báo Ninh Thuận

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!