THỨ TƯ, ngày 22/1/2025

Chú trọng phát triển kinh tế biển xứng tầm với tiềm năng

Chưa có đánh giá về bài viết

Khu vực biển, đảo huyện Kim Sơn có chiều dài 18,34 km, rất thuận lợi cho các hoạt động giao thông vận tải đường thủy, khai thác, nuôi trồng thuỷ hải sản và du lịch sinh thái biển. Do đó, phát triển kinh tế biển được xác định là một trong các chương trình trọng tâm, trọng điểm trong chiến lược phát triển kinh tế… Tuy nhiên, việc khai thác kinh tế biển ở Ninh Bình vẫn đang còn nhiều khó khăn, kết quả thu được chưa xứng với tiềm năng.

Đầm nuôi thủy sản tại xã Kim Đông (Kim Sơn). Ảnh: Anh Tuấn

Trong những năm qua, kinh tế vùng ven biển đã có sự chuyển biến tích cực, toàn diện. Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật vùng ven biển Kim Sơn được triển khai thực hiện tương đối đồng bộ, với tổng kinh phí hàng chục nghìn tỷ đồng. 

Nhiều công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trong vùng, như: Các tuyến đê BM1, BM2, BM3; dự án cơ sở hạ tầng thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng bãi bồi ven biển; dự án đường giao thông đến trung tâm 3 xã vùng kinh tế mới ven biển; dự án khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu thuyền cửa sông Đáy; dự án đường ĐT 481; chợ đầu mối thủy sản Kim Đông; Trung tâm phòng chống thiên tai; Đường ra trạm Biên phòng Cồn Nổi…, qua đó đã góp phần thay đổi diện mạo của khu vực.

Theo đánh giá của đồng chí Đỗ Hùng Sơn, Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn: Các chương trình, chính sách phát triển được thực hiện hiệu quả. Vận tải biển dần chiếm tỷ trọng lớn trong các hoạt động vận tải. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất của vùng ven biển Kim Sơn luôn ở mức độ khá và ổn định, giá trị sản xuất tăng bình quân 7,47%/năm. 

Ngành thuỷ sản đã có những chuyển biến tích cực ứng dụng công nghệ mới trong cả nuôi trồng và chế biến sản phẩm, dần hình thành các chuỗi chế biến và cung ứng nâng cao giá trị sản phẩm và tạo thêm nhiều việc làm, trở thành động lực chính cho phát triển kinh tế của khu vực.

Hiện nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản ven biển Kim Sơn là trên 3.000 ha. Trong đó, vụ 1 diện tích nuôi tôm sú quảng canh cải tiến là 1994,7ha, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp và bán công nghiệp là 120,3 ha; vụ 2, diện tích nuôi cua xanh là 1994,7 ha, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp và bán công nghiệp là 120,3 ha, diện tích nuôi ngao khoảng 1.200 ha.

Đến nay, sản lượng nuôi trồng đạt 18.200 tấn, trong đó có 15.700 tấn ngao, 310 tấn tôm sú, 170 tấn rôm rảo, 400 tấn cua xanh, 430 tấn tôm thẻ chân trắng, 640 tấn rong câu, 450 tấn thủy hải sản khác. Người dân đã mạnh dạn đầu tư áp dụng công nghệ nuôi mới đem lại hiệu quả và tăng năng suất, chất lượng tôm nuôi, phát triển các cơ sở sản xuất ngao giống để đáp ứng nhu cầu trong vùng và bán cho một số tỉnh lân cận như Nam Định, Hải Phòng …

Đặc biệt, được sự ưu ái của thiên nhiên, vùng biển Kim Sơn có một vùng sinh thái rộng lớn, trù phú, với diện tích trên 100.000ha. Những cánh rừng ngập mặn trải dài ngút ngàn, những đầm lầy mặn, bãi bồi, cửa sông… là nơi hội tụ của hơn 500 loài động, thực vật thủy sinh, hơn 50 loài cây ngập mặn trên các bãi bồi cửa sông, 200 loài chim, trong đó có nhiều loài quý hiếm đã được ghi vào sách đỏ thế giới.

 Với hệ sinh thái, đa dạng sinh học đã đưa vùng ven biển Kim Sơn trở thành bộ phận quan trọng, là vùng đệm và vùng chuyển tiếp của khu dự trữ sinh quyển thế giới đất ngập nước ven biển liên tỉnh châu thổ sông Hồng. Kim Sơn còn được công nhận là nơi thuận lợi và phù hợp cho loại hình du lịch nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng…

Bên cạnh đó, tỉnh luôn xác định phát triển kinh tế vùng biển phải đi đôi với bảo đảm an ninh-quốc phòng. Chính vì thế, các ngành chức năng đã phối hợp với huyện Kim Sơn củng cố vững chắc vùng biên giới biển, an toàn hàng hải được đảm bảo. 

Đến nay, vùng ven biển Kim Sơn không xảy ra tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường biển, các hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái biển và ven biển được bảo tồn, phát triển theo hướng bền vững. Công tác phòng, chống và cảnh báo thiên tai; cứu hộ, cứu nạn trên biển được thực hiện triệt để giúp người dân cũng như các doanh nghiệp yên tâm đầu tư phát triển kinh tế biển.

Tuy nhiên, phát triển kinh tế biển trong thời gian qua vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có. Theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn), các chương trình, dự án chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng; các ngành kinh tế biển chưa được hình thành rõ nét, chủ yếu vẫn là các hoạt động phát triển kinh tế quy mô hộ gia đình; loại hình kinh tế khu vực ven biển chủ yếu vẫn là nuôi trồng và khai thác thủy, hải sản tự nhiên; chưa tận dụng được lợi thế giao thông đường bộ với giao thông đường thủy.

Bên cạnh đó, tình hình khai thác thủy, hải sản theo hình thức tận diệt trên vùng biển có chiều hướng gia tăng, nhất là khu vực Tây Nam Cồn Nổi. Trong năm 2018, đơn vị chức năng đã bắt, xử lý 24 vụ sử dụng xung điện, kích điện để đánh bắt…, xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền trên 1 tỷ đồng…

Theo ông Phạm Văn Hải, Trạm trưởng Trạm Thủy sản Kim Sơn – Yên Khánh (Chi cục Thủy sản), một tồn tại không nhỏ ở vùng biển Kim Sơn là chưa kiểm soát được các nguy cơ ô nhiễm môi trường biển do chất thải rắn từ đất liền, đặc biệt là chất thải nhựa; nguy cơ ô nhiễm do tràn dầu của các tàu, thuyền, phương tiện vận tải thủy; tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và cuộc sống của người dân, diện tích rừng ngập mặn tăng chậm; công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác quản lý nhà nước về biển, đảo chưa thường xuyên, chặt chẽ; chưa có sự liên kết giữa huyện Kim Sơn và các huyện, thành phố của tỉnh để phát triển kinh tế biển; văn hóa cộng đồng của các xã ven biển chưa được hình thành rõ nét.

Mục tiêu của tỉnh Ninh Bình là xây dựng vùng kinh tế ven biển Kim Sơn trở thành vùng kinh tế năng động, phát triển nhanh, là trọng điểm phát triển kinh tế ven biển của tỉnh. Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và chủ động hội nhập. 

Đồng chí Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn cũng cho biết: Để kinh tế biển phát triển bền vững, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế vùng ven biển Kim Sơn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả quy hoạch tổng thể đã được phê duyệt, trong thời gian tới huyện tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp mang tích chất chiến lược, dài hơi.

Trước mắt, tại khu vực Cồn Nổi rất cần có sự phối hợp của các ngành chức năng cùng với huyện Kim Sơn tham mưu cho tỉnh xây dựng quy hoạch phát triển du lịch tại khu vực biển huyện Kim Sơn, đặc biệt là đảo Cồn Nổi thành khu du lịch sinh thái biển. 

Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách tạo đột phá để phát triển kinh tế – xã hội, trong đó tập trung đổi mới 3 khâu then chốt gồm: Quản lý, khai thác và phát triển tài nguyên; đầu tư phát triển, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài; nâng cao năng suất lao động, hiệu suất đầu tư trên cơ sở phát triển nguồn nhân lực và áp dụng khoa học công nghệ mới. Chú trọng nghiên cứu, đề xuất với Trung ương và tỉnh cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù đối với khu kinh tế biển, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và công nghiệp, du lịch.

Nguyễn Thơm

Theo Báo Ninh Bình

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!