T2, 06/07/2020 01:48

Nơi kỳ bí trên biển Đông

Chưa có đánh giá về bài viết

Vụ việc nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc tỏ vẻ lỳ lợm, tiếp tục khuấy đảo ngang nhiên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đồng thời nhiều tàu cá vỏ thép của phía Trung Quốc thả trôi ở gần đó để gây khó cho ngư dân, đã làm dấy lên những lo ngại đối với các nước trong khu vực và cả nhiều cường quốc khác. Đây là dịp nhiều nước nhắc lại phán quyết của Tòa trọng tài The Hague về biển Đông.

Nhân dịp này, chúng tôi xin giới thiệu lại loạt bài về ngư dân mưu sinh ở vùng biển quốc tế trên biển Đông, ở bãi ngầm Macclesfield. Đây là hoạt động thể hiện quyền tự do đi lại và được ngư dân bắt đầu khám phá từ năm 1988.

Kỳ 1: Nơi tận cùng Bom Bay 

Ngư dân ra quần đảo Hoàng Sa, sau đó đi tiếp tới đảo Bom Bay nằm tận cùng phía Đông rồi lấy đà đi tiếp hơn 74 hải lý nữa thì tới bãi ngầm Macclesfield nằm giữa biển Đông. Bãi ngầm dài và rộng vô tận, có nơi chỉ sâu chừng 10 mét, có nơi thăm thẳm 4.000 mét, nên nơi này có những hiệu ứng sóng gió kỳ lạ, nhiều cá tôm và cuộc đời mưu sinh của ngư dân cũng đầy thú vị.


Bãi ngầm Macclesfiel đầy hấp dẫn đối với ngư dân

 Thế giới khác

 Xào….! Lần đầu tiên trong suốt gần 3 ngày 3 đêm vượt quãng đường hơn 300 hải lý, con tàu QNa 91327 TS mang tên Quyết Tiến mới rơi vào trạng thái tĩnh vì chiếc máy Yanmar 822 mã lực đã tạm dừng. Từ mũi tàu nhìn về hướng thả neo, sóng biển xanh biếc, trong trẻo và hiền hòa. Ngư dân cho biết, sóng ở đây rất êm, nhưng khi trời đổ giông tố thì nước biển ở bãi ngầm chảy theo nhiều hướng và tạo thành những dòng xoáy.  

Tàu thả neo nằm giữa biển Đông, nhưng bên dưới là một rạn san hô ngầm dài 139 km, rộng 61 km, gọi là bãi Macclesfield. Màn hình định vị trên tàu nhấp nháy tín hiệu 15 độ 30 phút vĩ độ bắc – 113 độ 56 phút kinh đông. Lão ngư dân Nguyễn Đông lớn tuổi nhất trên tàu cho biết: “Dân Kỳ Hà tỉnh Quảng Nam làm giàu nhờ ở đây. Vùng này đánh không bao giờ hết cá”.

Khu vực gần bờ xuất hiện mưa giông, nhưng khi ra tới vùng Macclesfied thì là một thế giới khác. Đó là nắng vàng tươi, bầu trời trong xanh đầy chim hải âu chao lượn; sóng biển phẳng lặng nên cá chuồn bay là là trên mặt biển, cá chủa biểu diễn những màn đuổi bám và đớp mồi ngoạn mục. Trước khi màn đêm buông xuống, că mặt biển rám vàng, màu của hoàng hôn.

Các ngư dân căn dặn, thỉnh thoảng nơi này có những con sóng bí ẩn và bất thường. Theo tài liệu, bãi ngầm Macclesfield có máng biển sâu 2.500 mét, đồng bằng biển sâu hơn 4.000 mét. Có thể những độ sâu bất thường đã tạo ra những con sóng lạ, khiến cho Macclesfiel thêm phần huyền bí và quyến rũ các ngư dân Quảng Nam ra khám phá.

Ngư dân trên tàu Quyết Tiến hò dô kéo lưới

 Lóng lánh ánh bạc

Phần lớn những người trong đất liền, hoặc các nhà báo chưa từng đồng hành cùng ngư dân thì rất dễ nhầm tưởng, ngư dân ra khơi sẽ đi săn luồng cá. Nhưng sự thật thì ngược lại, đó là tàu chọn tọa độ cá rồi bật đèn suốt đêm để thu hút luồng cá. Có khi ngư dân ra tới vùng biển Hoàng Sa và bật máy dò quét, nếu thấy cá chưa nhiều thì cứ neo tàu cho ngư dân ăn chơi thỏa thích vài ngày. Ở vùng biển khơi, cá thấy bóng tàu sẽ tự quần tụ đến và xem đây như một ngôi nhà để trú ngụ. Đôi khi vài chục tấn cá kéo đến núp bóng tàu.

Khi màn đêm bao phủ bãi ngầm Macclesfield, tàu Quyết Tiến bật 50 bóng đèn pha gắn trên nóc. Những chiếc bóng có hình ô van như trái dưa hấu, nhưng công suất lên đến 1.000 W/bóng. Ở trong đất liền, 50 bóng đèn kia trở thành luồng sáng phát quang cả một vùng, có thể nhìn thấy từng con kiến chạy ở những tàu gần đó. Nhưng ở giữa biển khơi bao la và xanh thẳm, con tàu trở nên nhỏ nhoi và luồng sáng kia dường như đã bị màn đêm đặc quánh hút cạn, nên độ lan tỏa chỉ còn cách tàu chừng 25 mét.

Đêm đầu tiên ở Macclesfield, mặt biển phẳng lặng và chỉ hơi gợn sóng nhẹ. Chỉ sau 1 giờ đồng hồ bật đèn, đàn cá từ xa đã kéo đến gần tàu. Khi gió biển thổi và sóng nhấp nhô thành những cánh sóng bạc đầu, lũ cá chuồn lập tức biến mặt biển khu vực gần tàu thành “sàn nhảy” hết sức kỳ thú. Đàn cá liên tục nhảy dựng lên và bay khắp mặt biển, phát ra âm thanh xào xào như tiếng vỗ tay. Đàn chim hải âu trắng thả người ngủ yên trên mặt biển như những chú vịt đồng. Khi thấy “sàn nhảy” rộn rã, lũ chim lập tức rít lên ken két và bắt đầu một cuộc săn mồi dưới ánh đèn pha, tạo nên khung cảnh ngoạn mục giữa biển Đông.

Trước đây, chủ tàu thường tuyển theo một ngư dân đặc biệt, đó là thợ dòm cá. Ngư dân này thay thuyền trưởng dõi mắt xuống mặt biển và nhìn đàn cá chạy để ước tính sản lượng. Thỉnh thoảng ông thợ dòm cá đeo gương lao tõm xuống biển để ngắm nhìn trực tiếp dưới nước. Hiệu lệnh “bủa lưới” được thực hiện, khi đàn cá lên đến vài tấn. Nhưng tàu cá hiện đại nên đã gắn “mắt thần”. Thuyền trưởng Tiến luôn dõi theo những chấm đỏ ẩn hiện trên màn hình 14 inches, miệng trầm trồ tiếng Quảng Nam đặc sệt: “chua cha, hắn lọt vô vài tấn cá!”.

Cá thu đánh bắt giữa biển Đông

 Đánh cá 4.0

Ông thuyền trưởng luôn nâng niu một vật quý được đặt trong ca bin, đó là máy dò quét cá Furuno 8 L, góc quét 360 độ, đa chùm tia, trị giá 1,4 tỷ đồng. Đó thực sự là một chiếc máy săn ngầm đáng đồng tiền bát gạo. Máy được nối với đầu dò phát tín hiệu ra đa dưới nước. Khi đàn cá di chuyển, cả cụm đỏ trên màn hình nhấp nháy, hiển thị vị trí tương ứng. Chỉ thiếu mỗi điều, đó là ngư dân không biết đó là loại cá gì, nên đành phỏng đoán bằng tiếng trầm trồ “chắc cá ồ rồi, con này cá bò gù đi nhanh ghê, vài tấn cá…”.

Trên tàu có 15 ngư dân ở cửa biển Kỳ Hà thì một nửa chuyên làm nghề câu bủa, còn lại là ngư dân câu mực khơi. Khi lên tàu đánh lưới, các ngư dân không quên nghề cũ, họ buộc 2 sợi dây câu thả sau đuôi tàu và gọi là “đi chợ”. Chiếc câu này cũng là “máy dò cá” rẻ tiền nhất. Trong suốt chặng hành trình, bóng cá bặt tăm. Nhưng khi tàu ra tới quần đảo Hoàng Sa thì lưỡi câu bắt đầu dính cá ngừ to như bắp tay.

Thiết bị trên tàu gần như được gắn theo kiểu double (máy đôi) để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tàu. Đó là 2 chiếc định vị, máy bộ đàm, máy dò cá. Màn hình máy định vị nhấp nháy tín hiệu và hướng của mũi tàu. Nếu nhấn vào nút phát lại hành trình thì đường đi của con tàu được vẽ thành một vệt hình cong, đó là từ đất liền vòng qua phía đông nam của đảo Tri Tôn quần đảo Hoàng Sa, sau đó trực chỉ ra bãi ngầm Macclesfield.

Từ tàu vỏ thép nhìn ra phía đường chân trời xuất hiện vô số những con tàu vỏ gỗ, các ngư dân chia sẻ, điều khá thú vị “toàn bộ là tàu Quảng Nam quê mình, chừ ra khơi phải đoàn kết, cách nhau mỗi chiếc cỡ 7 hải lý, nếu có chi chi thì a lô một tiếng thì tới giúp nhau liền”.

 >> Theo tài liệu, năm 1701, tàu Macclesfield của Anh đã phát hiện ra bãi ngầm này và từ đó được đặt tên trên hải đồ. PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cho biết, đây là vùng biển quốc tế nằm trong biển Đông và ngư dân Việt Nam có quyền tự do đánh bắt.

(Còn tiếp)

Lê Văn Chương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!