Hỏi: Thức ăn sử dụng cho cá chép giòn là gì? (Phạm Văn Trường, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị)
Trả lời:
Cá chép giòn là cá chép thường sau khi được chọn lựa những cá thể có chất lượng tốt đem vào quy trình vỗ béo bằng cách cho ăn hạt đậu tằm, đây là một loại thức vừa bảo đảm chất lượng thịt cho cá, vừa làm cho môi trường sạch hơn.
Cách chế biến thức ăn: Đậu tằm trước khi cho cá ăn phải được ngâm từ 12 – 24 giờ (tùy theo nhiệt độ không khí) sau đó rửa sạch và trộn với 1 – 2% muối để trong thời gian 10 – 15 phút sau đó bắt đầu cho ăn.
Cách cho ăn: Luyện cho cá chép ăn đậu tằm bằng cách bỏ đói cá 5 ngày, sau đó bắt đầu cho cá ăn đậu tằm. Trong 5 ngày tiếp theo, cho cá ăn đậu tằm với khẩu phần 0,03% khối lượng thân vào lúc 16 giờ. Sau đó tăng dần khẩu phần ăn lên 1,5 – 3% khối lượng cá trong ao. Trong thời gian đầu, sau khi cho cá ăn đậu tằm (chú ý không cho cá ăn thức ăn khác) khoảng 3 tiếng kiểm tra xem cá có ăn hết hay không để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Lưu ý, đậu tằm có xu hướng chìm, vì vậy cần cho cá ăn ít một và cho cá ăn tùy vào nhu cầu ăn của cá hàng ngày.
Hỏi: Các hình thức nuôi cá chép giòn hiện nay?
(Nguyễn Hải Nam, phường Mỹ Thạnh, Tp Long Xuyên, tỉnh An Giang)
Trả lời:
Hiện nay ở nước ta có hai hình thức nuôi cá chép giòn, đó là nuôi trong ao đất hoặc lồng, bè.
Nuôi trong ao: Ao nuôi có diện tích khoảng 2.000 – 5.000 m2. Đáy ao được cải tạo, san bằng, nghiêng về cống thoát nước. Độ sâu của ao lớn hơn 2 m. Nuôi cá chép giòn trong ao yêu cầu có thiết bị phụ trợ tạo dòng chảy, có thể dùng máy bơm hoặc bố trí quạt nước. Đây là yêu cầu quan trọng kích thích cá thường xuyên bơi lội, hoạt động để cho thịt cá nhanh giòn hơn.
Trước khi đưa cá vào nuôi cần tháo cạn nước, nạo vét bùn. Sau đó dùng vôi để cải tạo đáy ao và diệt tạp, liều lượng dùng khoảng 7 – 10 kg/100 m2, phơi nắng 3 – 5 ngày. Sau khi cải tạo, cấp nước vào ao ở mức 1,5 – 1,8 m, nguồn nước cấp phải đảm bảo trong sạch, không bị nhiễm bẩn.
Đối với lồng, bè: Chọn nơi thông thoáng, ít tàu thuyền qua lại, có nguồn nước sạch không bị ô nhiễm bởi chất thải công nghiệp, chất thải nông nghiệp, nước thải sinh hoạt. Nếu lồng cá có diện tích lớn thì phải chọn những nơi có độ sâu 3,5 – 4 m. Lồng được đặt nổi và neo cố định tại một vị trí thuận lợi trên sông, có dòng nước chảy liên tục.