Nắm bắt những thay đổi từ Trung Quốc

Chưa có đánh giá về bài viết

Với những chính sách mới của Trung Quốc, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang gặp rất nhiều trở ngại. Để đảm bảo ổn định thị trường này, các tổ chức, cá nhân cần nắm bắt nhiều quy định mới tại đây.

Yêu cầu mới

 Từ cuối năm 2018, Trung Quốc đã ra quy định siết chặt nhập khẩu tiểu ngạch để kiểm soát hàng hóa, cùng đó, nước này còn liên tục thay đổi các quy định trong nhập khẩu chính ngạch khiến hàng hóa, nhất là mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam không kịp trở tay, tình trạng ùn ứ diễn ra nhiều nơi.

Đối với trái cây, muốn xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, sản phẩm phải được cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói để có thể truy xuất nguồn gốc. Còn mới đây UBND tỉnh Quảng Ninh gửi công văn đến các ngành chức năng và các địa phương để thông báo về một số thay đổi trong chính sách biên mậu của nước này đối với việc nhập khẩu mặt hàng thủy sản. 

Cụ thể, các sản phẩm thủy, hải sản nhập khẩu vào Trung Quốc, bao bì đóng gói in ấn phải chắc chắn (không bao gồm sản phẩm ướp đá). Trong phần nhãn sản phẩm phải ghi đầy đủ tên thương mại và khoa học, quy cách, ngày sản xuất, số lô, điều kiện bảo quản, phương thức sản xuất, vùng sản xuất, tên và mã số doanh nghiệp chế biến sản xuất phải ghi rõ đích đến…

Mới nhất, Tổng cục Hải quan Trung Quốc lại tiếp tục ra thông báo về quy định quản lý, giảm sát việc ghi nhãn bao bì thực phẩm đóng gói sẵn xuất, nhập khẩu vào thị trường này, áp dụng từ ngày 1/10 tới đây.

Việc Trung Quốc áp dụng các quy định mới khiến nhiều mặt hàng thủy sản Việt Nam bị ứ đọng nặng. Theo Bộ NN&PTNT, từ tháng 8 đến nay, nhiều lô hàng thủy sản Việt Nam đã bị trả lại hoặc ách tắc tại cửa khẩu Móng Cái; trong đó, tôm Khánh Hòa trên 129 tấn; mực, cá từ Vũng Tàu trên 34 tấn; cá chỉ vàng Tiền Giang gần 60 tấn; tép khô Phan Thiết 14 tấn…; khiến cả người nuôi lẫn người buôn đều bế tắc.

 

 Những quy định nằm lòng

Để tránh tình trạng ách tắc này, vừa qua, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đã có Công văn số 854/XNK-NS gửi các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu nông, thủy sản, thực phẩm sang Trung Quốc thông báo về việc nước này sửa đổi quy định quản lý, giám sát việc ghi nhãn bao bì thực phẩm đóng gói sẵn xuất nhập khẩu. Theo đó, từ ngày 1/10/2019, không yêu cầu đăng ký hồ sơ lưu đối với nhãn mác bao bì của thực phẩm đóng gói sẵn lần đầu nhập khẩu vào Trung Quốc. Việc kiểm tra nhãn thực phẩm đóng gói sẵn nhập khẩu là một trong những nội dung kiểm tra, kiểm nghiệm đối với thực phẩm, cơ quan hải quan Trung Quốc sẽ căn cứ theo các quy định pháp luật liên quan về kiểm nghiệm hàng hóa xuất, nhập khẩu và vệ sinh ATTP để tiến hành kiểm nghiệm theo quy định của pháp luật.

Doanh nghiệp nhập khẩu phải chịu trách nhiệm đảm bảo nhãn mác bằng tiếng Trung Quốc trên bao bì đóng sẵn của thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc phù hợp với quy định pháp luật liên quan của Trung Quốc, phù hợp với quy định hành chính và yêu cầu về tiêu chuẩn ATTP quốc gia. Nếu thẩm tra không đáp ứng tiêu chuẩn, không được nhập khẩu. Cùng đó, thực phẩm đóng gói sẵn khi nhập khẩu sẽ được lấy mẫu kiểm tra xác suất tại hiện trường hoặc kiểm nghiệm trong phòng thí nghiệm, doanh nghiệp nhập khẩu cần cung cấp tài liệu chứng minh hàng hóa đáp ứng điều kiện nhập khẩu, tài liệu gốc và bản dịch ghi nhãn mác, mẫu ghi nhãn tiếng Trung và các tài liệu chứng minh khác cho nhân viên hải quan. Khi nhận được thông báo của cơ quan hữu quan, đơn khiếu nại của người tiêu dùng về việc thực phẩm đóng gói sẵn bị nghi ngờ vi phạm quy định, cơ quan hải quan sẽ tiến hành thẩm tra xác minh, khi xác nhận có vi phạm sẽ xử lý theo quy định.

Bên cạnh đó, các loại thực phẩm đóng gói sẵn nhập khẩu vào Trung Quốc trưng bày triển lãm, hàng mẫu, hàng kinh doanh miễn thuế (trừ trường hợp miễn thế theo luật định), thực phẩm phục vụ cho cơ quan ngoại giao, hàng xách tay du lịch, bưu phẩm, bưu kiện, thương mại điện tử qua biên giới… căn cứ theo các quy định hiện hành.

Đồng thời, doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm đóng gói sẵn cần đảm bảo nhãn mác bao bì đóng gói sẵn của thực phẩm xuất khẩu đáp ứng các tiêu chuẩn của quốc gia, vùng lãnh thổ nhập khẩu hoặc yêu cầu của hợp đồng thương mại.

Ngoài ra, từ ngày 1/9/2019, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc trong khuôn khổ ACFTA sẽ được cấp C/O mẫu E mới, với điều kiện hàng hóa đáp ứng quy tắc xuất xứ theo quy định.

Với những yêu cầu mới này, các tổ chức, cá nhân liên quan buộc phải nắm bắt và có kế hoạch chủ động phối hợp với doanh nghiệp nhập khẩu Trung Quốc nhằm đáp ứng các quy định của phía bạn trong quá trình thông quan, tránh gây ảnh hưởng đến tiến độ xuất khẩu.

>> Ngày 13/9, tại Hà Nội, Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT đã tổ chức Hội nghị xúc tiến xuất khẩu nông, thủy sản sang thị trường Trung Quốc; nhằm rà soát, đánh giá tình hình và bàn các biện pháp tháo gỡ khó khăn, định hướng tổ chức lại sản xuất đáp ứng đúng yêu cầu của Trung Quốc, góp phần tận dụng tốt các lợi thế từ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN – Trung Quốc và phát triển xuất khẩu nông, thủy sản bền vững sang thị trường này thời gian tới.

 Hồng Hà

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!