THỨ HAI, ngày 20/1/2025

Hơn 263 tấn ngao chết ở “vựa ngao” Hà Tĩnh do sốc nước ngọt!

Chưa có đánh giá về bài viết

Chiều 30/9, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh Nguyễn Công Hoàng cho biết, hiện tượng 263,5 tấn ngao nuôi ở thôn Mai Lâm (Mai Phụ, Lộc Hà) chết là do mưa lũ làm môi trường thay đổi đột ngột khiến ngao sốc nước ngọt.

Sau đợt mưa lũ lớn, từ ngày 10 – 16/9, tại bãi nuôi ngao xã Mai Phụ, xảy ra hiện tượng ngao chết hàng loạt. Theo thống kê, tổng diện tích bị thiệt hại là 79,85 ha với số lượng 263,5 tấn.

Để tìm nguyên nhân ngao chết, các đơn vị chuyên môn của Sở NN&PTNT Hà Tĩnh như: Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Thủy sản phối hợp với UBND huyện Lộc Hà kiểm tra tình hình ngao nuôi chết tại xã Mai Phụ và thu mẫu xét nghiệm một số bệnh nguy hiểm truyền nhiễm.

Các kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y vùng 3 đã loại bỏ ngao chết do ký sinh trùng gây bệnh Perkinsus (tác nhân gây bệnh chủ yếu cho các loại nhuyễn thể hai mảnh vỏ).

Tác nhân chủ yếu khiến ngao nuôi bị chết là do sốc nước ngọt.

Trao đổi với PV về nguyên nhân khiến ngao nuôi ở Mai Phụ (Lộc Hà) bị chết, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh Nguyễn Công Hoàng cho biết, tác nhân chủ yếu gây nên hiện tượng ngao nuôi chết là do sốc nước ngọt.

“Nước lũ đổ về khiến nước tại các bãi nuôi bị thay đổi độ mặn, nước ngọt hóa. Việc môi trường nuôi thay đổi đột ngột đã dẫn tới ngao chết hàng loạt” – ông Nguyễn Công Hoàng thông tin.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh xảy ra và giảm thiểu, khắc phục hiện tượng ngao chết trong thời gian tới, Sở NN&PTNT Hà Tĩnh yêu cầu địa phương và các cơ sở nuôi ngao thực hiện tốt một số khuyến cáo kỹ thuật đã được cơ quan chuyên môn hướng dẫn; tiếp tục thu gom và tiêu hủy ngao chết đúng quy trình; không đổ ngao chết ra cửa sông, các nơi cạnh khu vực nuôi. Đồng thời thu hoạch ngao đã đạt kích cỡ thương phẩm; thường xuyên vệ sinh, làm sạch bãi trong quá trình nuôi.

Bên cạnh đó, cần tạm ngừng thả nuôi mới cho đến khi ngao trong vùng ngừng chết và môi trường được cải thiện; cày xới, phơi bãi trước vụ nuôi; thực hiện gián đoạn giữa các vụ nuôi, không thả nuôi các đợt gối chồng lên nhau.

Sử dụng giống rõ nguồn gốc, đã qua kiểm dịch theo quy định; thả giống với mật độ vừa phải theo kích cỡ ngao thả nuôi và theo khuyến cáo của cơ quan quản lý nuôi trồng (mật độ thả nuôi từ 180 – 200 con/m2 đối với cỡ giống nuôi từ 400 – 600 con/kg; 200 – 250 con/m2 đối với cỡ giống nuôi từ 600 – 800 con/kg; 250 – 350 con/m2 đối với cỡ giống nuôi từ 800 – 2.000 con/kg); khi ngao lớn phải san thưa.

Không thả giống tại các khu vực quá nhiều bùn, có thời gian phơi bãi trên 5h/ngày.

Trần Vương

Theo Báo Hà Tĩnh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!