Mùa cá cơm ở vùng biển Vũng Tàu bắt đầu vào tháng 3 đến tháng 9 (âm lịch) thường mang đến thu nhập khá cho ngư dân. Tuy nhiên, nguồn lợi mà thiên nhiên dành cho thành phố biển đang mất dần bởi nạn khai thác theo hình thức tận diệt.
Những ngày này, ngư dân TP.Vũng Tàu đang bước vào thời kỳ cao điểm của vụ cá cơm năm 2012. Với giá bán từ 12.000-14.000 đồng/kg như hiện nay, mỗi lao động thu vài trăm ngàn đồng sau mỗi chuyến khai thác là chuyện bình thường. Tuy nhiên, có một điều đã trở thành nỗi lo của những ngư dân đánh bắt cá cơm, đó là tình trạng sản lượng cá ngày càng sụt giảm. “Trước đây mỗi ngày chúng tôi có thể đánh được hàng tấn cá cơm. Bây giờ, mặc dù đang chính vụ nhưng ngày nào “hên” mới được vài chục ký. Tôi là một trong số ít ngư dân còn trụ lại với nghề khai thác cá cơm bằng lưới ven bờ” – ông Phan Hoàng, một ngư dân có ghe lưới ven bờ tại Bãi Sau, cho biết.
Theo ông Hoàng và các bạn ghe lưới cá cơm, có nhiều nguyên nhân làm cho sản lượng cá cơm khai thác được hàng năm giảm. Trong đó có nguyên nhân hiện có một đội tàu khai thác bằng lưới vây hiện đại tại khu vực Bãi Sau, TP. Vũng Tàu. Những ghe, tàu này được trang bị máy tầm ngư và hoạt động cách các bãi tắm khoảng từ 400m trở lên. Thậm chí trước đây vài năm có tàu còn dùng thuốc nổ để khai thác nên hiện nay sản lượng cá cơm ngày càng ít dần. Dùng thuốc nổ khai thác không chỉ tận diệt cá, phù du là thức ăn của cá mà còn phá hủy rặng san hô – nơi cá cơm trú ngụ và sinh sản. “Không còn nơi sinh sản, và thiếu thức ăn nên lượng cá vào khu vực này cũng ít dần” – anh Hồ Mạnh Hải, một ngư dân quê ở Nghệ An khẳng định.
Sơ chế cá cơm tại một điểm sơ chế ở phường 12 (TP. Vũng Tàu) trước khi đem đi tiêu thụ
Theo ông Lê Tuấn Quốc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hình thức khai thác hải sản bằng chất nổ là nguyên nhân chính làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản. Đây là một tệ nạn lớn kéo dài nhiều năm qua trong lĩnh vực khai thác hải sản. Từ năm 1998 đến nay, thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng với các đơn vị phối hợp thường xuyên tuần tra, kiểm tra những đối tượng dùng chất nổ, xung điện… để khai thác hải sản. Theo đó, cơ quan chức năng đã ra quyết định xử phạt hành chính 7 vụ sử dụng chất nổ với số tiền trên 62 triệu đồng và tịch thu hàng chục phương tiện; truy tố hình sự 10 vụ gồm 41 đối tượng sử dụng, tàng trữ và mua bán chất nổ để khai thác thủy sản. Tình trạng khai thác bằng chất nổ tập trung chủ yếu bằng nghề lưới vây cá cơm ở gần bờ và tập trung chủ yếu ở Bãi Sau, TP. Vũng Tàu.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết hiện có một số phương tiện đã lén lút sử dụng thuốc nổ để đánh bắt cá cơm trên vùng biển Bãi Sau, TP. Vũng Tàu làm hủy diệt nguồn lợi thủy sản, gây nguy hại đến các hoạt động du lịch biển. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đồn, hải đội, trạm kiểm soát biên phòng triển khai các biện pháp ngăn chặn như lập danh sách các đối tượng nghi vấn để răn đe, giáo dục, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện trước khi xuất bến ra khơi…
Để chấm dứt tình trạng này, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tăng cường các biện pháp xử lý với những trường hợp vi phạm nhiều lần, cố tình vi phạm bằng hình thức tịch thu ghe, tàu…
Trước tình trạng nguồn lợi thủy sản nói chung trong đó có cá cơm ngày càng giảm bởi nạn khai thác hủy diệt, cơ quan chức năng cần truy quét mạnh mẽ và quyết liệt để nhanh chóng chấm dứt những hành vi vi phạm. Mặt khác, phục hồi rặng san hô và giảm ô nhiễm nguồn nước biển là rất cần thiết để duy trì nguồn lợi này.