Chúng tôi đến xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, tìm gặp anh Ngô Kiện Toàn, người nuôi thí điểm công nghệ nano của Công ty CP Huetronics (Huế), để tìm hiểu về quy trình anh mới áp dụng thành công.
Anh Toàn kể: Trước năm 2001, nuôi tôm theo các quy trình cũ, 2 – 3 năm liền anh đều thành công. Đến năm 2011, liên tiếp thất bại 2 vụ, anh rất hoang hoang. “Vẫn theo đúng “bài” như các năm trước, mà sao lại thua?”. Trong lúc còn đang lưỡng lự nuôi hay không nuôi, nếu nuôi thì theo mô hình nào mới “ăn”, Ngô Kiện Toàn được người quen với thiệu có Công ty CP Huetronics đang tìm chỗ để thí điểm mô hình nuôi tôm theo công nghệ nano.
Công nghệ nano mở ra hướng mới cho người nuôi tôm
Áp dụng quy trình mới này, anh nuôi tôm thẻ chân trắng. Với diện tích 4 ha, anh chia làm 10 ao nuôi, mật độ thả 80 con/m2. Mua 2 loại giống khác nhau về thả; qua hơn 2 tháng nuôi, thu hoạch 23 tấn, giá bán trung bình loại 80 con/kg là 85.000 đồng/kg, tổng thu khoảng 1,7 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 600 triệu đồng.
Anh Toàn cho biết: Nuôi tôm theo công nghệ nano không có gì phức tạp, cải tạo vuông nuôi ban đầu như các vụ nuôi khác, anh lấy nước vào trên 1 tấc; dùng than hoạt tính xử lý ban đầu ngâm khoảng 4 – 5 ngày, liều lượng dùng 30 kg cho 1.000m3. Trước khi thả tôm giống, anh dùng Anti VBF (nano bạc kháng khuẩn) pha đều tạt khắp ao, bình quân 2 lít/1.000m3. Ngoài ra, anh còn dùng Tio2 + ôxy già, đánh định kỳ 5 ngày/lần. Tôm được 7 ngày nuôi thì dùng nano bạc trộn vào thức ăn cho tôm, cứ 2 ngày một lần, mỗi lần 150 ppm/kg thức ăn; từ ngày thứ 30 trở lên thì trộn 100 ppm/kg thức ăn…; có thể bổ sung men vi sinh và Vitamin C để tăng sức đề kháng cho tôm.
Theo anh Toàn, nuôi theo công nghệ nano hiệu quả rõ hơn so với trước đó; khâu quản lý, chăm sóc cũng nhẹ hơn. Trong khi đó, tổng chi phí vụ nuôi rẻ hơn khoảng 16%. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên (nuôi thử nghiệm), muốn khẳng định chắc chắn hơn về hiệu quả và chất lượng mô hình này, còn phải chờ thực tế nuôi 2 – 3 vụ nữa.
>> Hiện nay, ngoài thử nghiệm nuôi ở Cà Mau, Công ty CP Huetronics đang thử nghiệm nuôi ở Quảng Trị, Bến Tre, Sóc Trăng, bước đầu đạt hiệu quả khá; nếu thành công, Công ty sẽ mở rộng công nghệ này cho người nuôi tôm trên cả nước. |
Công nghệ nano là gì? Công nghệ nano là công nghệ xử lý vật chất siêu nhỏ ở mức nano mét (1 nano mét = 1 phần tỷ mét). Công nghệ này hiện nay được ứng dụng rất rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống, đặc biệt là ứng dụng của nano bạc. Nghiên cứu chỉ ra rằng, do sự tăng lên của nguyên tử bề mặt nên so với bạc khối thì tác dụng sát khuẩn của các hạt bạc siêu nhỏ có kích thước nano được tăng lên gấp bội, 1 (g) nano bạc có thể sát khuẩn cho hàng trăm m2 chất nền. Với kích thước phân tử ở mức vi mô, chỉ từ 3-5 nano mét, nano bạc có khả năng tiêu diệt vi khuẩn gây hại theo nguyên tắc bao bọc trực tiếp tế bào vi khuẩn, phá vỡ cấu trúc tế bào đó, từ đó vô hiệu hóa sự phát triển của chúng. Do vậy, nano bạc được xem như là chất kháng khuẩn tự nhiên an toàn và hiệu quả, được ứng dụng trong các lĩnh vực y học, an toàn thực phẩm… Trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ nano bạc được ứng dụng để phòng trị bệnh cho cây trồng, vật nuôi trong đó có động vật thủy sản như tôm, cá… |