(TSVN) – Theo các nhà nghiên cứu Brazil, phế phẩm từ quả chuối có thể được sử dụng để thay thế một số bột ngô trong khẩu phần của cá chép tambaqui mà không ảnh hưởng tới tiêu hóa hoặc tăng trưởng của cá.
Tại Brazil, tambaqui là một trong 2 loại cá nước ngọt được nuôi phổ biến nhất; đây là giống cá bản địa vùng châu thổ Amazon, chủ yếu được nuôi thâm canh. Năm 2017, Brazil sản xuất 88.500 tấn cá tambaqui. Loài cá này ăn tạp và có thể ăn nhiều nguồn protein và năng lượng khác nhau. Một trong những thành phần thức ăn cung cấp nguồn năng lượng phổ biến nhất được sử dụng như nguồn carbonhydrate là bột ngô (CM). Tuy nhiên, có nhiều thành phần thức ăn có thể thay thế bột ngô, trong đó có cả các loại trái cây. Các nghiên cứu trước đây đã tìm hiểu về quả xoài trong nuôi cá rô phi, cá tambaqui; quả cọ licuri trong thức ăn cá tambaqui hoặc chuối trong khẩu phần ăn của cá da trơn châu Phi và cá pirapitinga.
Phế phẩm từ chuối có thể thay thế bột ngô trong thức ăn cho cá chép. Ảnh: CTV
Thử nghiệm cho ăn được thực hiện thành 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu, nghiệm thức chứa 70% bột ngô và 30% bột chuối nguyên trái (WBM). Cá được cho ăn thức ăn thử nghiệm hoặc ăn theo một khẩu phần tham khảo có thành phần thức ăn tiêu chuẩn trong 10 ngày sau khi cá đã thích nghi với môi trường sống. Thu gom phân cá và phân tích để đánh giá tỷ lệ tiêu hóa (ADC) của năng lượng thô, protein thô và vật chất khô.
Giai đoạn 2, cá được cho ăn 1 trong 5 nghiệm thức trong 45 ngày. Các khẩu phần này gồm một khẩu phần đối chứng không chứa phụ phẩm chuối và các khẩu phần bổ sung WBM thay thế bột ngô theo tỷ lệ lần lượt 8%, 16%, 24%, 32%. Các khẩu phần ăn được kiểm tra thành phần phenol và flavonoid. Đánh giá các thông số tăng trưởng của cá gồm tăng trọng (GW), tốc độ tăng trưởng riêng (SGR), sản lượng thịt và tỷ lệ sống. Vào ngày 45, lựa chọn cá ở mỗi nghiệm thức để lấy mẫu máu phân tích cùng mẫu gan và ruột.
Kết quả cho thấy, trong các thử nghiệm đánh giá khả năng tiêu hóa, chỉ số ADC với protein thô, năng lượng thô và vật chất khô đạt trên 90%. ADC năng lượng thô của thức ăn chứa WBM cao hơn ở nghiệm thức tham khảo. Ở các thử nghiệm đều không phát hiện cá bị chết.
Ở giai đoạn thử nghiệm thứ 2, lượng bổ sung WBM tăng dần cũng tác động lớn dần lên hiệu suất tăng trưởng và có khuynh hướng giảm trọng lượng thân cuối, WG, sản lượng thịt và SGR. Dựa trên các phân tích hồi quy tuyến tính có thể thấy, khi tăng cường bổ sung WBM làm giảm Hct (hematocrit); Hb (hemoglobin), MCV (mean corpuscular volume) và MCH (mean corpuscular hemoglobin) và tăng hàm lượng Ery (erythrocyte) ở cá tambaquis. Ngoài ra, cá được cho ăn 32% WBM có Ery cao hơn hẳn và MCV cùng MCH thấp hơn so nhóm cá ở nghiệm thức bổ sung 0,8% WBM thay thế bột ngô.
Thành phần hóa học của WBM gồm 61 – 76,5% tinh bột; 19 – 23% amylase; 2,5 – 3,3% protein; 4 – 6% ẩm; 0,3 – 0,8% lipids; 2,6 – 3,5% tro và 6 – 15,5% xơ thô. Sử dụng WBM trong thức ăn của cá như một nguồn carbonhydrate thay thế bột ngô vừa tiết kiệm chi phí, lại giảm ô nhiễm môi trường do rác thải từ ngành chế biến chuối tươi tại Brazil.
Dũng Nguyên