Tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đã khiến cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu chú ý lại thị trường nội địa. Với dân số đông và mức sống tăng lên, đây rõ ràng là một con đường sáng. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh tiêu thụ trong nước liệu có khả thi?
Thay đổi quan điểm
Trước khó khăn của doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh và sức mua xã hội suy giảm trước tác động của dịch COVID-19, cuối tháng 4, Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phục hồi sản xuất sau dịch và kích cầu tiêu dùng; gồm giãn, hoãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội, giảm lãi vay ngân hàng, trợ cấp bằng tiền cho các đối tượng bị tổn thương khi có dịch…
Trong cuộc họp trực tuyến của Chính phủ ngày 9/5/2020 với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ nhiệm vụ đối với các doanh nghiệp là phải giữ được lao động, thị trường, danh dự và bản lĩnh doanh nghiệp Việt Nam. Tại đây, các chuyên gia, nhà quản lý, địa phương cũng rất coi trọng vai trò của thị trường nội địa, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cần ăn sâu bén rễ vào thị trường quan trọng này để phát triển. Nếu để mất thị trường nội địa, mất hệ thống phân phối, đồng thời mất cả sự liên kết giữa sản xuất và phân phối thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong lúc xuất khẩu đang có nhiều trở ngại, nếu dịch ở các nước vẫn chưa được khắc phục.
Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, phát triển thị trường nội địa cần chú trọng đến vai trò của các chợ truyền thống, bao gồm chợ, cửa hàng lẻ đang chiếm một tỷ trọng trên 70% về doanh số và trên 80% về những mặt hàng tươi sống để phục vụ nhân dân hàng ngày.
Tạo đà cho thủy sản
Thống kê của Bộ NN&PTNT, tại TP Hà Nội, trung bình mỗi năm tiêu thụ 890.000 tấn gạo; 139.000 tấn thịt lợn; 42.000 tấn thịt gà; 900 triệu quả trứng; 54.000 tấn thủy, hải sản tươi sống và chế biến; 900.000 tấn rau các loại… Hà Nội hiện có 284.484 doanh nghiệp và mạng lưới phân phối phát triển đồng bộ, hiện đại hàng đầu cả nước (gồm 26 trung tâm thương mại, 145 siêu thị, 455 chợ, khoảng 1.400 cửa hàng tiện lợi, 768 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn, trên 65 chuỗi kinh doanh các hàng nông sản, thực phẩm…). Đại diện Sở Công thương Hà Nội cho biết, thành phố đã triển khai nhiều chương trình hợp tác, liên kết với các địa phương trong cả nước hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.
TP Hồ Chí Minh cũng tích cực tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, giải quyết hàng tồn kho, phát triển thị trường trong bối cảnh cùng cả nước bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch COVID-19. Từ ngày 2 – 5/7, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh sẽ phối hợp sở ngành, đơn vị có liên quan tổ chức chương trình kích cầu tiêu dùng năm 2020 từ nguồn kinh phí xã hội hóa và kinh phí xúc tiến thương mại năm 2020.
Để giải quyết khó khăn cho ngành thủy sản, Thủ tướng Chính phủ cũng vừa có ý kiến về đề xuất giải pháp hỗ trợ tiêu thụ hải sản cho ngư dân. Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình khai thác, sản xuất thủy sản tại các địa phương; tình hình dịch COVID-19 tại các nước trên thế giới, đặc biệt là các thị trường chính, truyền thống; kịp thời có chỉ đạo, hướng dẫn, tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thể tiến hành xuất khẩu, giao kết hợp đồng mới ngay khi các thị trường này mở cửa trở lại. Cùng đó, lưu ý Bộ NN&PTNT tổ chức rà soát, đánh giá hoạt động của chuỗi liên kết sản xuất thủy sản để có giải pháp tăng cường đối với các khâu còn chưa đáp ứng yêu cầu như bảo quản, dự trữ… Bộ Công thương nghiên cứu và có giải pháp tăng cường phân phối, tiêu thụ nội địa đối với mặt hàng thủy sản; kiên quyết xử lý các hành vi trục lợi, ép giá, gian lận thương mại; chỉ đạo các cơ quan đại diện thương mại ở nước ngoài kịp thời thông tin công khai về tình hình mở cửa trở lại của các thị trường cũng như nhu cầu về sản phẩm thủy sản của các thị trường.
An An