Hiệp hội NTTS châu Âu (EAS) đã tuyên bố công khai Diễn đàn sáng tạo tại sự kiện NTTS châu Âu 2019 vào ngày 9/10 tại Berlin. EAS muốn thúc đẩy và hỗ trợ các công ty khởi nghiệp hoặc mới nổi bằng cách làm cầu nối cho những ý tưởng của họ tới nhà đầu tư – những người có thể thúc đẩy sự phát triển công ty mới và sản phẩm mới.
Suốt diễn đàn này, 12 công ty đã được hỗ trợ kêu gọi đầu tư để phát triển với vốn đầu tư xấp xỉ 10 triệu USD. Các công ty khởi nghiệp cũng thu hút sự chú ý tại sự kiện GOAL 2019 Chennai. Trong khi tại Hội chợ thủy sản quốc tế Đài Loan, IoT và AI nổi lên như một làn sóng mới trong ngành thủy sản. Ngành NTTS đã bước sang “tuổi trưởng thành”; cũng như ngành dược phẩm, NTTS dường như đang kiên định tìm kiếm các công ty nhỏ nhưng có khả năng vươn lên mạnh mẽ trong tương lai.Năm 2012, Trung Quốc trở thành nước nhập khẩu ròng mặt hàng tôm. Chỉ trong 1 tháng đầu tiên của năm 2019, Trung Quốc đã nhập khẩu 65.000 tấn tôm, trong đó có gần 25.000 tấn từ Ả Rập Saudi. Dữ liệu nhập khẩu trong tháng 5/2019 cho thấy, Ecuador và Ấn Độ đang cạnh tranh nhau, dẫn đến giá tôm (USD/kg) giảm lần lượt 18% và 9% so cùng kỳ 2018. Đây có thể là một dấu hiệu cho thấy sự cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn trên thị trường Trung Quốc và rất khó đưa ra số liệu chi tiết và chính xác về quy mô thị trường. Một dự báo từng cho rằng, nhập khẩu tôm năm 2018 của Trung Quốc khoảng 450.000 tấn, đứng thứ 3 sau Mỹ và EU. Khi giá tôm vẫn có nguy cơ giảm do cung vượt cầu và dịch bệnh làm chi phí sản xuất tăng, người nuôi tôm tại châu Á cần phải thức tỉnh và chú trọng tăng cường hiệu quả hơn.
Do NTTS đang tăng trưởng, nên đặt ra nhu cầu cấp bách về nguyên liệu thức ăn mới thay thế bột cá và dầu cá. Tại Hội nghị Thượng định thủy sản Seaweb 2019 Bangkok vừa qua, có thể thấy sự cải tiến lớn về nguồn protein thay thế nhưng cũng phải đối mặt nhiều thách thức, nhất là protein thay thế trong thức ăn tôm hoặc cá biển. Tập đoàn Thái Union của Thái Lan đã khởi xướng sử dụng các thành phần thức ăn mới nhưng nông dân lại chính là nút thắt vì họ cần phải nhìn thấy được lợi ích kinh tế trước hết. Tại sự kiện Hội chợ thủy sản toàn cầu vào tháng 5/2019, các hãng bán lẻ lớn và người mua dịch vụ thực phẩm đều nói rằng, họ sẵn sàng trả một khoản phí nhỏ để có thể truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng. Rõ ràng tất cả các phân khúc trong chuỗi cung ứng đều có một vai trò nhất định đối với sự bền vững của toàn chuỗi.
Sau cùng, chúng ta vẫn chưa thể chắc chắn liệu hệ thống RAS có tạo lực kéo cho ngành NTTS hay chỉ là một xu hướng nhất thời. Trước đây, mọi người vẫn cho rằng, RAS trên cạn không bao giờ cạnh tranh được với mô hình nuôi tôm thâm canh trong ao hoặc cá lồng; tuy nhiên, RAS đang đạt được những thắng lợi lớn tại Singapore – nơi nuôi cá trên cạn hay dưới nước đều phải trả phí cao. RAS cũng tìm được chỗ đứng vững chắc trong các hệ thống ương tôm tại Việt Nam hoặc những nơi nuôi cá biển luôn coi kiểm soát môi trường là chìa khóa sản xuất con giống sạch bệnh. Nhưng RAS cũng đang đối mặt thách thức mặc dù có thể được coi là nhân tố thay đổi cuộc chơi – một loại hình đầu tư lớn nhưng rủi ro cũng cao. Tín hiệu tốt là ngành NTTS châu Á vẫn đang đi lên đúng như các dự báo lạc quan trước đó.