Nhiều nông dân NTTS quy mô vừa và nhỏ tại châu Á vẫn kiên trì bám trụ nghề này từ nhiều đời, nhưng chỉ trong một chu kỳ hạn hẹp đó là làm để đủ ăn và đủ trang trải chi phí nuôi tiếp vụ sau.
Làm ăn thời vụ, đến đâu hay đến đó đã hạn chế rất nhiều đầu tư cho kỹ năng quản lý và công nghệ – những đòn bẩy giúp nông dân nâng cao sản lượng và phát triển nghề nuôi bền vững, thậm chí thịnh vượng hơn. Đơn giản, với nông dân, đầu tư là tốn thêm tiền, nên không ai mặn mà nhắc đến hai chữ đầu tư, đặc biệt là những thứ xa vời như công nghệ hay cơ sở dữ liệu.
Thực tế, nông dân hoàn toàn có đủ khả năng NTTS trách nhiệm hơn. Nhưng dù vậy, họ vẫn đối mặt nguy cơ phá sản nếu những nông dân khác xung quanh họ nuôi theo cách cũ để duy trì lợi nhuận. Hiện tại, đa phần nông dân không áp dụng phương thức thực hành NTTS bền vững trên toàn ngành thủy sản và cả trong quản lý.
Một tín hiệu đáng mừng, một thế hệ nông dân mới và nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu phát triển những ý tưởng tân tiến về hệ thống NTTS thâm canh dựa vào sử dụng con giống cải thiện di truyền cùng công nghệ nuôi mới đồng thời thắt chặt an toàn sinh học. Chúng tôi gọi đây là thế hệ nông dân tiên tiến, bởi họ đều nhận ra rằng nuôi thủy sản tốt không chỉ dựa vào kinh nghiệm, mà cần công nghệ mới dự đoán chính xác được thời gian thu hoạch, tăng hiệu quả cho ăn và giảm thiểu rủi ro dịch bệnh.
Về lâu dài, ngành thủy sản buộc phải tăng cường tính bền vững và tích cực gắn kết với thế hệ người tiêu dùng tiến bộ – những người luôn đòi hỏi thông tin minh bạch về sản phẩm mà họ sử dụng. Để làm được việc này, chúng ta cần phải có dữ liệu mới có thể xử lý các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc từ thị trường; hoặc giải đáp khúc mắc, lo ngại của nhà đầu tư và hãng bảo hiểm. Hướng đi này có thể giúp chuyển dịch nguồn cung NTTS ở cả thị trường trong và ngoài nước.
Tóm lại, một ngành NTTS khỏe mạnh đòi hỏi một khối liên minh vững chắc gồm nông dân, hãng chế biến, nhà quản lý, công ty nhập khẩu và các tổ chức phi chính phủ. Nhiều nước NTTS trên thế giới đã xây dựng rất tốt liên kết này. Điển hình, chính quyền tỉnh Surat Thaini và Chumpon tại Thái Lan đã hợp tác với các nhà hoạt động của Dự án SHRImp (dự án cải thiện sức khỏe tôm) để xây dựng hệ thống quản lý sức khỏe tôm hiệu quả trên toàn vùng nuôi nhằm cung cấp cho nông dân và nhà quản lý những hệ thống cảnh báo sớm nếu sản lượng sụt giảm hoặc dịch bệnh xuất hiện.
Tại Hải Nam, các thành phần tham gia ngành cá rô phi Trung Quốc gồm nông dân, hãng chế biến, nhà nhập khẩu đã tạo ra một tổ chức mới và mã code địa phương thực hành sản xuất tốt để thúc đẩy nông dân trên toàn ngành sản xuất theo các tiêu chuẩn của thị trường quốc tế. Hoặc tại Indonesia, rất nhiều dự án như SI3P, Shrimp Industry Improvement đều hợp tác với nông dân để tăng sản lượng và xây dựng môi trường nuôi thân thiện. Trong tương lai, châu Á vẫn là vùng đất tiềm năng nhất để phát triển ngành NTTS. Để ngành này phát triển bền vững, thì toàn ngành và nhà làm luật tại các quốc gia mạnh về thủy sản phải thực thi ngay các tiêu chí nuôi bền vững trên cơ sở khoa học; đồng thời thu hút nhiều nhà đầu tư và hãng bảo hiểm.