Theo báo cáo mới nhất của Rabobank về ngành tôm, các chuyên gia của đơn vị này đã dự báo rằng khi ngành tôm quay lại thời kỳ giá cao ngất ngưởng ngay sau đại dịch tôm chết sớm (EMS) tất yếu sẽ dẫn đến tình trạng bùng nổ sản xuất tại hầu hết các vùng nuôi tôm thẻ chân trắng bởi 3 nguyên nhân sau.
Trước tiên, việc rót những khoản vốn đầu tư khổng lồ vào cải tiến thực hành nuôi tôm là yếu tố sống còn để giảm tỷ lệ tôm chết. Việc này bao gồm xây dựng khu ương nuôi tôm khỏe để kháng dịch bệnh EMS trước khi được chuyển sang ao nuôi tăng trưởng; cải thiện các biện pháp xử lý nước phù hợp, tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học.
Thứ hai, sự chuyển đổi từ mô hình tôm sú sang tôm thẻ chân trắng đã làm nguồn cung tôm tăng dần và bị dư thừa trên toàn cầu, đặc biệt tại Ấn Độ. Trong khi, nhiều ruộng lúa và trại nuôi cá cũng được chuyển đổi thành ao tôm, nhiều nhất là ở Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia. Các trại nuôi tôm mới đang được hình thành ở cả những khu vực “không chuyên” như trang trại SeaFarm của Australia với sản lượng tham vọng trên 100.000 tấn tôm sú.
Thứ ba, sự gia tăng sản xuất tôm tại các hệ thống RAS dường như cũng tạo ra những tác động không hề nhỏ tới cục diện toàn ngành tôm. Mặc dù, nhiều cơ sở mới này chỉ sản xuất 200 – 500 tấn tôm mỗi năm, nhưng vẫn có những trại nuôi đặt mục tiêu lớn như Sino Agro Food với hơn 250.000 tấn tôm càng xanh mỗi năm tại một trại nuôi bằng hệ thống RAS ở Trung Quốc.
Xâu chuỗi cả ba nguyên nhân trên, có thể dễ dàng hình dung tại sao nguồn cung tôm trên thị trường toàn cầu lại dư thừa. Ngành tôm tại Ấn Độ và Ecuador thậm chí đã đạt tốc độ tăng trưởng kép về sản lượng ngay trong nửa đầu năm 2018 trong khi, sản lượng tôm của Việt Nam và Indonesia cũng tăng không kém. Chính những điều này đã dẫn đến tình trạng giá tôm lao dốc và nhiều hộ nông dân thua lỗ nặng nề.
Kết quả, nhiều hộ nông dân buộc phải treo ao hoặc giảm diện tích nuôi tôm. Đây cũng là hướng giải quyết khó khăn cho ngành tôm tại nhiều quốc gia sản xuất chính trên thế giới với nguồn cung tôm lên tới hơn 1 triệu tấn cho thị trường toàn cầu trong 3 đến 4 năm tới. Những quốc gia này đều đặt mục tiêu tăng sản lượng tôm thẻ từ 3,03 triệu tấn trong năm 2017 lên 3,64 triệu tấn vào năm 2020, trong đó Ấn Độ chiếm 150.000, Việt Nam 100.000 tấn, Indonesia 80.000 tấn, Ecuador có 75.000 tấn, Trung Quốc chiếm 60.000 tấn và 40.000 tấn còn lại là của Thái Lan.
Trong khi ngành tôm liên tục đối mặt nhiều sóng gió và bất ổn, thì ngành công nghiệp nuôi cá hồi lại trụ vững và phát triển bền vững. Những thành công của ngành sản xuất “vàng hồng” có thể trở thành bài học giá trị cho ngành tôm. Chìa khóa để mang lại sự bền vững ổn định cho ngành cá hồi chính là tạo ra được nhu cầu tiêu thụ để duy trì tăng trưởng dài hạn và mang lại lợi nhuận bền vững cho toàn ngành.