Trung Quốc đang vượt mặt hầu hết các quốc gia ASEAN để vươn lên vị trí đầu bảng trên thị trường thủy sản.
Nước này có 3 lợi thế để thực hiện giấc mơ bá chủ tại thị trường ASEAN: Thứ nhất, sự trợ cấp từ phía chính phủ với nỗ lực mở rộng nhanh chóng sang thị trường khu vực, cho phép quốc gia này thâu tóm được nguồn cung và dễ dàng phân phối các sản phẩm giá trị gia tăng tới thị trường nước ngoài; Thứ hai, nền kinh tế đang phục hồi đáng kinh ngạc đã giúp nhu cầu tiêu dùng thủy sản tại thị trường nội địa tăng cao; Thứ ba, tư tưởng bảo hộ thị trường nội địa của chính các doanh nghiệp trong nước đã ngăn chặn sự cạnh tranh của các doanh nghiệp nước ngoài ngay tại thị trường Trung Quốc.
Những số liệu thương mại thống kê gần đây cho thấy Trung Quốc đã gặt hái nhiều thành công trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản giá trị gia tăng sang thị trường ASEAN. Cụ thể, trong quý I/2017, xuất khẩu thủy sản của nước này sang ASEAN tăng 32,6% về lượng và 7,9%. Xuất khẩu sang Philippines tăng 53,8% lượng và 25,9% giá trị, tương đương 61.000 tấn và 192 triệu USD; Malaysia tăng 33%, đạt 24.800 tấn; Indonesia tăng 476%, đạt 35.900 tấn, trị giá 77 triệu USD.
Trạm Giang, một trong những tỉnh sản xuất tôm lớn nhất phía Nam Trung Quốc báo cáo số liệu xuất khẩu tôm trong quý I/2017 cho thấy tăng 49,3% khối lượng và 35,3% giá trị. Thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất của tỉnh này là Philippines và Singapore. Sự tấn công mạnh mẽ nhằm mở cánh cửa cơ hội tại các trung tâm thương mại khu vực ở nhiều quốc gia trong ASEAN đã giúp Trung Quốc nắm trọn trong tay các tuyến cung cấp hàng thủy sản. Sàn giao dịch thủy sản China ASEAN lớn nhất tại thành phố Phúc Châu đã mở cửa văn phòng tại Malaysia, Singapore và sẽ tiếp tục bành trướng hoạt động sang Myanmar và Việt Nam vào năm tới. Hiện, sàn giao dịch này có 358 công ty thành viên hoạt động tích cực, doanh thu 5,3 tỷ tệ (738 triệu USD) trong 2 năm qua.
Nền kinh tế phục hồi ngoạn mục cũng khiến nhu cầu tiêu thụ thủy sản nội địa tăng mạnh, tạo đà cho các doanh nghiệp tấn công thị trường nước ngoài. Nhưng khi các hãng thủy sản Trung Quốc bán hàng rất tốt tại thị trường nội địa, thì các công ty nước ngoài lại phải chấp nhận đứng ngoài cuộc chơi. Bởi họ gặp phải rất nhiều vấn đề rắc rối khi có ý định tiếp cận thị trường Trung Quốc, từ chính sách bảo hộ thị trường tới rào cản ngôn ngữ. Đây cũng chính là lý do khiến sản phẩm cá tra của Việt Nam để tuột mất nhiều cơ hội thâm nhập sâu và rộng hơn vào thị trường Trung Quốc. Thực tế, không riêng cá tra Việt nam, nhiều doanh nghiệp nước ngoài khác cũng đã nản chí trước chính sách bảo hộ của thị trường này. Có lẽ đó mà, các doanh nghiệp thủy sản Trung Quốc vẫn thâu tóm được thị trường nội địa, thừa thắng tấn công mạnh sang thị trường khu vực và biến giấc mơ bá chủ thị trường ASEAN trở thành sự thực.