Tháng 5/2016, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu về việc xóa bỏ quy định giám sát cá da trơn mới. Tuy nhiên, trong tháng 12/2016, dù có đến 230 thành viên Hạ viện nhất trí việc gỡ bỏ quy định này, nhưng lãnh đạo Hạ viện theo Đảng Cộng hòa lại không chấp thuận – John Connolly, Chủ tịch Viện Thủy sản quốc gia Mỹ (NFI) cho biết tại Diễn đàn cá thịt trắng giá trị cao tại cuộc họp về thị trường thủy sản toàn cầu (GSMC).
Đặc biệt, sau khi Tổng thống Trump đắc cử, thì cơ hội xóa bỏ quy định kiểm soát cá da trơn mới càng trở nên xa vời hơn dù trước đó NFI và nhiều công ty nhập khẩu thủy sản tại Mỹ đã chỉ trích quy định này thực chất là một rào cản thương mại tốn kém vì nó chỉ có tác dụng bảo vệ một số hộ nuôi cá da trơn tại Mississippi. Nhiều chuyên gia lo ngại mọi hoạt động giao thương cá tra của Việt Nam sẽ đóng sập lại ngay trên thị trường Mỹ sau khi nỗ lực gỡ bỏ quy định mới có nguy cơ bị thất bại.
Giai đoạn chuyển đổi để thích nghi với quy định kiểm soát cá da trơn mới do Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đề ra sẽ chính thức kết thúc vào ngày 1/9/2017. Việt Nam và nhiều nước xuất khẩu cá da trơn sẽ cần phải áp dụng phương thức sản xuất tương đồng với những tiêu chuẩn của Mỹ, đặc biệt là về an toàn thực phẩm. Nếu những tiêu chuẩn sản xuất không phù hợp với hệ thống an toàn thực phẩm của phía Mỹ, thì sản phẩm đó sẽ không có cơ hội thâm nhập vào thị trường này. Tuy nhiên, những dự báo mọi hoạt động xuất khẩu cá tra, basa vào Mỹ sẽ bị chặn đứng nếu Mỹ áp dụng những quy định mới như trên chỉ mang tính lý thuyết. Hệ thống của FDA và USDA về cơ bản là khác nhau, nhưng không có nghĩa là các tiêu chuẩn sản xuất của Việt Nam không đủ sức đáp ứng được yêu cầu của Mỹ. Giờ đây, nhiệm vụ quan trọng với ngành cá tra Việt Nam là chuyển đổi linh hoạt những quy chuẩn theo yêu cầu của FDA sang USDA để sớm bắt kịp được sự tương đồng trong sản xuất theo tiêu chuẩn USDA đặt ra. Tuy nhiên, quá trình thích nghi với các tiêu chuẩn của Mỹ là cả một chặng đường dài hơi và cần rất nhiều ý chí chính trị và đây thực sự là một thử thách đầy cam go với ngành cá da trơn của Việt Nam. Ngay từ bây giờ, Việt Nam cần phải hành động và còn rất nhiều việc cần phải tiến hành ngay, ví dụ như làm việc với đại diện USDA về công cụ tự báo cáo nhằm đánh giá mức độ tương đồng.
Cá tra đã có mặt ở thị trường Mỹ được gần 20 năm và đây vẫn là một trong những thị trường tiêu thụ cá tra trọng điểm của Việt Nam không chỉ về giá trị mà còn về khối lượng xuất khẩu. Dĩ nhiên, vẫn còn một con đường khác để loại bỏ chương trình chương trình cá da trơn đó là đưa vụ kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tuy nhiên, việc này cần sự vào cuộc của cả Chính phủ, và cũng không phải dễ dàng.