Người ta sử dụng kháng sinh tràn lan và bừa bãi từ nhiều thập kỷ nay, không chỉ trong ngành nuôi trồng thủy sản (NTTS) mà cả việc khám chữa bệnh cho con người, hoặc chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Điều này đã dẫn tới hiện tượng kháng thuốc của nhiều vi sinh vật gây bệnh. Một khi những vi sinh vật này phát triển, gen kháng bệnh có thể được vận chuyển giữa các tổ hợp vi khuẩn, đặc biệt trong môi trường nước. Thật không may nhiều vi khuẩn xuất hiện và phát triển cơ chế kháng bệnh với tốc độ nhanh hơn việc chúng ta tạo ra các hợp chất chống lại chúng.
Cách đây nhiều năm, hai nhà nghiên cứu tại Đại học Arizona (Mỹ) là Hansa Done và Rolf Halden đã xây dựng công trình nghiên cứu tổng thể về việc sử dụng kháng sinh trong NTTS trên toàn cầu. Họ đã tìm thấy 47 loại kháng sinh khác nhau trong nhiều mẫu thủy sản nuôi từ cá tra, basa tới cá hồi. Mặc dù hàm lượng kháng sinh dưới ngưỡng cho phép của FDA, nhưng kết quả này đã được công bố trên tờ báo “những nguyên liệu nguy hiểm” và được coi là tiếng chuông cảnh báo đầu tiên về vấn đề thủy sản nuôi có nguy cơ đe dọa sức khỏe đại dương và con người.
Tại châu Á, quản lý và kiểm soát lỏng lẻo đã khiến cho việc sử dụng kháng sinh trở thành vấn nạn đáng báo động. Nhiều lô hàng tôm, thủy sản từ châu Á bị thị trường nhập khẩu như EU, Mỹ trả về vì nhiễm kháng sinh cấm đã và đang diễn ra suốt thời gian qua nhưng tới nay vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Người nông dân nhận thức kém hoặc kiến thức khoa học kỹ thuật quá hạn chế đã tự ý dùng thuốc kháng sinh tràn lan; còn nhà sản xuất thu mua nguyên liệu không kiểm soát kỹ chất lượng. Do đó, làm thế nào để những kiến thức về sử dụng kháng sinh, hay những cảnh báo về sự nguy hiểm của kháng sinh được truyền đạt tận tay nông dân giúp nâng cao nhận thức cho họ vẫn đang là trở ngại lớn với nhiều nước NTTS tại châu Á. Tại Mỹ, đào tạo và hướng dẫn người chăn nuôi được coi là vấn đề cốt lõi. Chính phủ Mỹ đã thiết lập nhiều lực lượng chuyên biệt tại từng bang để giải quyết vấn đề xung quanh việc phát triển gen kháng thuốc, vốn được cho là nguyên nhân khiến 23.000 người Mỹ tử vong mỗi năm. Ngày 2/5/2016, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã tuyên bố khoản quỹ 6 triệu USD dành cho hoạt động nghiên cứu cách thức giải quyết vấn đề kháng thuốc (AMR) ở một số khu vực sản xuất lương thực trọng điểm của quốc gia, trong đó có NTTS. Thông qua kế hoạch hành động với vấn đề kháng vi khuẩn, USDA đã mang lại cho người chăn nuôi những kiến thức chuẩn về việc kháng thuốc phát triển như thế nào, phương thức thay thế kháng sinh và hướng dẫn người chăn nuôi giảm nhu cầu sử dụng kháng sinh, mục đích cuối cùng là bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng trên toàn cầu. Nếu chính phủ mỗi quốc gia không quản lý mạnh tay và quan tâm sâu sát hơn tới người chăn nuôi, thì vấn nạn sử dụng kháng sinh sẽ không bao giờ được kiểm soát tốt.
Giáo sư Ngành Khoa học thủy sản, Đại học Louisiana, Mỹ