Gần đây, Mỹ đưa phán quyết tiếp tục áp thuế chống bán phá giá với mặt hàng cá fillet của Việt Nam thêm 5 năm nữa. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh của cuộc Rà soát hoàng hôn do Bộ Thương mại Mỹ và Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ tiến hành sau mỗi 5 năm, mục đích rà soát lại việc nhập khẩu mặt hàng liên quan vào thị trường Mỹ kể từ thời điểm áp thuế chống bán phá giá (CBPG) và xác định xem hiện tượng CBPG đó có khả năng tiếp diễn hay không.
Cũng trong đợt rà soát này, Bộ Thương mại Mỹ khẳng định việc gỡ bỏ thuế CBPG có thể khiến các doanh nghiệp Việt Nam lại tiếp tục “ngựa quen đường cũ”, còn Tòa án Thương mại Mỹ cho rằng, gỡ bỏ thuế CBPG có thể gây “tổn thương” tới ngành công nghiệp cá da trơn của Mỹ. Đây chỉ là những lời khẳng định mang tính chất tạm thời, được đưa ra trong thời gian quá chóng vánh vì ngành công nghiệp cá da trơn Việt Nam đã không cung cấp được bằng chứng pháp lý cho Bộ Thương mại Mỹ hoặc Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ về việc nên từ bỏ thuế CBPG với cá tra, basa Việt Nam. Do không có bất cứ biện pháp phòng vệ nào, Việt Nam khó có thể đưa vụ kiện ra WTO. Hơn nữa, Việt Nam và nhiều công ty riêng lẻ cũng không có thể kháng cáo phán quyết trên ra Tòa án Thương mại quốc tế Mỹ tại New York vì tổ chức này chẳng được lợi gì hoặc không có khả năng thực hiện các giải pháp khắc phục hành chính trước Bộ Thương mại và Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ. Tình huống này sẽ tiếp tục gây bất lợi cho Việt Nam trong 5 năm nữa.
Khi gia nhập tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam đã đồng ý sẽ bị đối xử như một nước có nền kinh tế phi thị trường trong khuôn khổ các hoạt động phòng vệ thương mại tại nước thành viên của WTO là Mỹ. Điều này có nghĩa, Bộ Thương mại Mỹ không chấp nhận giá hoặc chi phí sản xuất thực tế của Việt Nam vì một lý do rất đơn giản: mức giá trên do nhà nước hoặc chính quyền địa phương kiểm soát. Do đó, Bộ Thương mại Mỹ sử dụng cách tính toán phức tạp có tên gọi “giá trị thay thế”. Cụ thể, Bộ Thương mại Mỹ sẽ tìm một nước có nền kinh tế tương đồng Việt Nam để tiến hành so sánh giá và chi phí sản xuất hàng hóa liên quan tại Việt Nam. Bộ Thương mại Mỹ đã chọn Ấn Độ, Bangladesh và Indonesia làm nước thay thế.
Tương tự như vậy, Bộ Thương mại Mỹ chuyển sang Bangladesh để tính toán thuế CBPG với mặt hàng tôm đông lạnh Việt Nam. Việc thay đổi liên tục về nước thay thế và giá trị thay thế sẽ khiến các công ty Việt Nam rất khó thoát “nỗi ám ảnh” thuế CBPG dù Việt Nam có kiểm soát giá xuất khẩu sang thị trường Mỹ cẩn thận đến mấy. Chúng tôi và nhiều luật sư thương mại – đại diện cho doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và cả ngành công nghiệp thủy sản nói chung, đã và đang đấu tranh chống lại phán quyết của tòa án Mỹ. Năng lực xuất khẩu ngày càng gia tăng và với lợi thế cạnh tranh chủ yếu về giá đồng nghĩa Việt Nam sẽ phải đối mặt ngày càng nhiều các vụ kiện bán phá giá. Tuy nhiên, muốn mở rộng thị trường xuất khẩu thì không còn cách nào khác là phải chủ động phòng tránh và đối phó thông qua tìm hiểu bản chất, thủ tục tiến hành, sử dụng các biện pháp ứng phó thích hợp khi có tình huống kiện tụng xảy ra hoặc có thể định hướng giá xuất khẩu ở mức hợp lý của từng sản phẩm để tránh cho các doanh nghiệp bị rơi vào vòng xoáy kiện tụng.
Luật sư – Công ty luật GDLSK, Queensway, Hồng Kông