Cáo buộc lạm dụng lao động trong các nhà máy chế biến thủy sản và tàu cá tại Thái Lan, điển hình là Công ty Charoen Pokphand Foods (CPF) đã làm rung động toàn thế giới.
CPF thừa nhận rằng, cáo buộc trên là đòn giáng nặng nề vào các nhà sản xuất thủy sản tại Thái Lan bởi hầu hết họ đều sử dụng những sản phẩm thủy sản đánh bắt không mong muốn để làm nguyên liệu chế biến bột cá. Cách đây không lâu, đầu bếp nổi tiếng người Anh, Hugh Fearnley Whittingstall đã nghĩ ra việc bán cá vụn, phế phẩm từ cá tại các hệ thống nhà hàng cho công ty CPF, để chế biến bột cá, dùng làm thức ăn nuôi tôm. Điều đó cho thấy, trong mỗi cuộc khủng hoảng luôn tồn tại cơ hội.
Rút kinh nghiệm từ Thái Lan, các nhà sản xuất thủy sản ở nhiều quốc gia khác, trong đó có Việt Nam cần nhìn lại nguồn bột cá sử dụng trong nuôi trồng thủy sản có bền vững và trách nhiệm xã hội không? Nguyên tắc xương sống của ngành thủy sản là “không đơn thương độc mã”, tất cả đều phải liên kết với nhau, tạo thành chuỗi giá trị. Tỳ vết của ngành thủy sản Thái Lan như đã nói ở trên không chỉ là vấn đề của riêng công ty CFP, hay đất nước Thái Lan mà là vấn đề của ngành thủy sản toàn cầu.
Tại Hội nghị nuôi trồng thủy sản thế giới (World Aquaculture 2014) ở Adelaide, Australia, công cuộc tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng với sản phẩm thủy sản nuôi mang tính bền vững và trách nhiệm xã hội được đặt lên hàng đầu. Theo các chuyên gia, đạo đức, kinh tế, khoa học là thước đo của hai vấn đề xương sống trong ngành nuôi trồng thủy sản: trách nhiệm xã hội và tính bền vững. Sản xuất tôm và cá với chi phí rẻ không còn là mỗi quan tâm hàng đầu của các nhà sản xuất trong kỷ nguyên mới của ngành công nghiệp chế biến thực phẩm. Họ đều hiểu rằng, người tiêu dùng đang “khát” thực phẩm an toàn, bền vững, có trách nhiệm với môi trường và cộng đồng thay vì săn tìm hàng giá rẻ.
Hình ảnh sản phẩm thủy sản châu Á đang dần lên ngôi và có tiềm năng chiếm lĩnh thị trường, trong đó có thủy sản của Việt Nam. Tại Hội nghị bàn tròn về nuôi trồng thủy sản (TARS) năm 2014, Anton Rizki Sulaiman – chuyên gia thủy sản Indonesia đã nói rằng, thủy sản Việt Nam và ngành nuôi trồng thủy sản của các quốc gia khác trên thế giới cần phải hoạt động theo định hướng lấy khách hàng làm trung tâm, cần lắng nghe để hiểu yêu cầu khách hàng, từ đó mới có cách thức thu hút khách hàng. Mới đây, EU đã cảnh báo nhiều công ty xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Thái Lan, Bangladesh đang nằm trong tầm ngắm, thậm chí Thái Lan đã bị phạt thẻ vàng và có nguy cơ bị cấm cửa hoàn toàn tại thị trường EU nếu không có động thái tích cực trước những cáo buộc liên quan tới vấn đề lạm dụng lao động. Thái Lan đã đổi mới luật nghề cá, quản lý ngành thủy sản chặt tay hơn để sớm lấy lại hình ảnh trong mắt thị trường lớn như EU.
Khủng hoảng càng làm người ta có thêm quyết tâm, lý trí để thay đổi theo chiều hướng tích cực. Hoạt động thiếu sự đồng thuận, nhỏ lẻ và manh mún, chạy theo lợi ích riêng, ắt sẽ dễ bị mất vị thế trên thị trường, đặc biệt là những thị trường lớn và khó tính như EU. Đừng cho rằng việc giải quyết những vấn đề to lớn, như những cáo buộc liên quan đến lạm dụng lao động trên tàu cá ở Thái Lan hay việc bị thị trường lớn “tuýt còi” là vấn đề của chính phủ, nhà nước. Tất cả mọi thành phần tham gia chuỗi sản xuất từ người nuôi tới nhà quản lý cần phải thiết lập và theo đuổi mục tiêu bền vững xã hội. Điều này có nghĩa, tính kết nối giữa cộng đồng, nhà sản xuất, quản lý, được đánh giá cao trong ngành nuôi trồng thủy sản, và cuối cùng là phải hướng tới sản phẩm an toàn, bền vững.
Tổng biên tập Tạp chí Aqua Culture