Tháng 10 tới, Liên minh Nuôi trồng Thủy sản Toàn cầu (GAA) sẽ tổ chức hội nghị GOAL thường niên, và năm nay GOAL sẽ quay lại TP Hồ Chí Minh sau lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam cách đây 9 năm. Thông qua GOAL, những nhà lãnh đạo GAA muốn thực hiện sứ mệnh của mình trong việc nâng cao nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm, bằng cách tạo ra một diễn đàn mà qua đó việc quản lý, lãnh đạo về phát triển, hợp tác, đào tạo được khuyến khích.
Chính “sự quản lý” đã thôi thúc GAA quay lại Việt Nam năm nay. Chủ đề hội nghị năm nay là “tôn vinh nhà quản lý” và vai trò của ngành nuôi trồng thủy sản trong sự đa dạng hóa nền kinh tế Việt Nam 30 năm qua là một minh chứng cho thấy tầm nhìn xa của những nhà lãnh đạo tại nước này.
Năm 2013, sản phẩm tôm và cá tra Việt Nam đã được xuất khẩu sang gần 150 quốc gia. Đó quả là một kỳ tích, kể từ khi nền kinh tế Việt Nam mở cửa từ năm 1986 và khi Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới, chuyển đổi nền kinh tế từ tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Kể từ đó, nền kinh tế Việt Nam đã ghi nhận những dấu ấn quan trọng, như: ký kết hiệp định thương mại song phương với EU (1992), gia nhập khu vực thương mại tự do ASEAN (1995), Hiệp định thương mại tự do song phương với Mỹ (2001), gia nhập WTO (2007).
Năm 1990, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam khá khiêm tốn khi dừng ở 200 triệu USD. Năm 2013, riêng xuất khẩu tôm và cá tra đã lần lượt mang lại 3,11 tỷ USD và 1,76 tỷ USD cho Việt Nam. Ngoài việc ngành thủy sản tăng trưởng mạnh cả về giá trị và khối lượng, Việt Nam hoàn toàn độc lập, không phụ thuộc bất cứ quốc gia hay vùng lãnh thổ nào. Hãy nghĩ về điều kỳ diệu này: cá tra là một loài thủy sản tương đối mới đối với thủy sản toàn cầu nhưng nó đã có mặt ở ¾ tổng số quốc gia trên thế giới. Tại sao Việt Nam làm được điều kỳ diệu này trong khoảng thời gian tương đối ngắn? Từ đó, tôi rút ra được bài học từ Việt Nam, đó chính là bài học về sự đa dạng hóa thị trường.
Hội nghị GOAL luôn thực hiện nhiệm vụ kết nối trong ngành công nghiệp thủy sản, từ người nông dân tới nhà chế biến, từ người bán lẻ tới các chuỗi cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp. Năm nay, những nhà lãnh đạo hàng đầu của ngành thủy sản trên toàn thế giới sẽ hội tụ tại TP Hồ Chí Minh; chúng tôi tin tại đây, chúng tôi có thể có cái nhìn toàn diện nhất về sự quản lý, sự phát triển cũng như những vướng mắc mà ngành thủy sản đang đối mặt suốt năm qua và trong thời gian tới. Chúng tôi sẽ đi sâu vào vấn đề quản lý ngành thủy sản, thức ăn chăn nuôi bền vững, phương thức tiếp cận thị trường cho những hộ nuôi quy mô nhỏ. Nếu không vượt qua những thách thức này, ngành công nghiệp thủy sản sẽ không đáp ứng kịp nhu cầu tiêu thụ thủy sản toàn thế giới. Đây cũng là những trở ngại mà ngành thủy sản Việt Nam đang phải đối mặt, dẫu Việt Nam đã có một số thành công trong quản lý và đa dạng hóa thị trường.
Giám đốc điều hành GAA