Bernd Seiffert – Đầu mối quản lý lao động trẻ em trong ngành nông nghiệp của FAO, giải thích về lao động trẻ em trong ngành thủy sản và đề xuất biện pháp chấm dứt tình trạng này.
Hơn 129 triệu lao động trẻ em trên thế giới làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp (khai thác, nuôi trồng thủy sản (NTTS), trồng trọt, chăn nuôi). Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), khai thác biển là nghề nguy hiểm nhất. Trẻ em trai thường tham gia đánh bắt cá ngoài biển, phải đối diện hiện tượng đuối nước hoặc các thương tổn khác. Trẻ em gái thường làm việc liên quan chế biến, nên thường bị phơi nhiễm với khói. Trẻ em tham gia đóng tàu cá thì bị ảnh hưởng bởi bụi, hóa chất, ô nhiễm tiếng ồn; chưa kể còn bị buộc sử dụng công cụ, thiết bị nguy hiểm.
Tiếp xúc những mối nguy hiểm trong công việc, lao động trẻ em có thể bị thương tổn, đuối sức, bệnh tật. Lao động trẻ em còn bị quấy rối và bạo lực. Tất cả có thể dẫn đến tàn tật hoặc tổn thương tâm lý. Một vài vấn đề về sức khỏe hoặc dấu hiệu tàn phế có thể xuất hiện về sau. Bên cạnh những ảnh hưởng về vật lý, tâm lý, lao động trẻ em có cơ hội thấp trong việc tìm những việc nhẹ nhàng, mức lương tốt hơn trong tương lai, do hạn chế về trình độ.
Hơn 60% lao động trẻ em đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Phải lao động như vậy có nhiều lý do, nhưng chủ yếu do nghèo khó. Các bậc cha mẹ tin rằng sự tham gia lao động của tất cả thành viên trong gia đình sẽ giúp giải quyết được các nhu cầu cơ bản. Khai thác và NTTS là lĩnh vực hấp dẫn, có cơ hội kiếm tiền nhanh. Một lý do khác là những tập tục văn hóa của ngư dân vùng sâu vùng xa; nhiều cộng đồng nhận thức thấp việc sử dụng lao động trẻ em là bất hợp pháp.
Để giải quyết thực trạng này, FAO, ILO đã hỗ trợ cán bộ chính phủ, nông nghiệp và các tổ chức khác ở Malawi phát triển một khuôn khổ quốc gia điển hình để chấm dứt lao động trẻ em trong ngành nông nghiệp, trong đó có thủy sản. Đây là một chiến lược, nhằm kêu gọi các bộ ngành, nhóm dân sự xã hội, cùng loại bỏ nguyên nhân gốc rễ và đề xuất biện pháp phòng ngừa, chấm dứt lao động trẻ em. Ví dụ, kêu gọi những cải tiến trong lĩnh vực nông nghiệp để giảm nhu cầu lao động trẻ em; cải thiện điều kiện làm việc, tiền lương; quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên và phát triển nhiều hơn nữa các công nghệ tiết kiệm lao động. Cùng đó, thúc giục đầu tư nhiều hơn vào giáo dục, các chương trình hỗ trợ học hành, các ưu đãi khác; từ đó, cha mẹ có thể yên tâm gửi con đến trường. Chiến lược này cũng hướng đến các cấp cơ sở, buộc cộng đồng địa phương phải tham gia hệ thống giám sát lao động trẻ em, tuyên truyền những tác hại khi trẻ em phải làm việc trong điều kiện thiếu an toàn.
Mặt khác, việc sử dụng lao động trẻ em chỉ có thể chấm dứt khi chính phủ, các đối tác phát triển, đơn vị tư nhân, các tổ chức và cộng đồng ngư dân làm việc cùng nhau. Vấn đề về nghèo khó, an ninh lương thực và lao động trẻ em phải được giải quyết thông qua các chính sách chặt chẽ mang tính xã hội và môi trường bền vững. Ngăn chặn lao động trẻ em sẽ giúp cho trẻ em được đến trường, trưởng thành, mạnh khỏe với triển vọng tốt về công việc.
Cha mẹ và ngư dân phải hiểu về những nguy hiểm và thiệt hại tiềm ẩn mà những công việc có thể gây ra cho trẻ em, khu vực, môi trường và nền kinh tế. Theo đó, các cộng đồng địa phương mới có thể làm việc với chính phủ để chọn và áp dụng giải pháp tốt nhất, nhằm đáp ứng nhu cầu của họ.