Luật Thủy sản 2017 đã quy định rõ về truy xuất nguồn gốc hải sản và kiểm soát tàu cá cập cảng, rời cảng ở mỗi chuyến biển; tuy nhiên, hoạt động này lại đang gặp nhiều bất lợi tại một số địa phương trong đó có tỉnh Quảng Ngãi, khi việc xác nhận còn quá khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Còn nhiều vướng mắc
Lắng nghe báo cáo từ Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi về những khó khăn, thuận lợi khi tiến hành triển khai Luật Thủy sản trong một cuộc họp báo, ông Phùng Đình Toàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi “kêu” khó cho ngư dân địa phương. Ông Toàn cho biết, Quảng Ngãi có một số cảng cá được Bộ NN&PTNT chỉ định cập cảng cho tàu từ 15 m trở lên; đó là cảng Tịnh Kỳ, Sa Huỳnh, Tịnh Hòa, Mỹ Á; những cảng này được phép xác nhận nguồn gốc thủy sản qua cảng. Cảng neo trú tàu thuyền Lý Sơn chỉ được cập bến, neo đậu, không được phép xác nhận nguồn gốc thủy sản qua cảng. Theo tiêu chí quy định cảng cá loại I, II, Điều 78 của Luật Thủy sản 2017 thì các cảng trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa đáp ứng đủ các tiêu chí loại I, II.
Tỉnh Quảng Ngãi có bờ biển dài trên 130 km, 4 cảng được công nhận loại I, II thì 2 cảng nằm tại luồng sông Sa Kỳ, còn 2 cảng nằm ở phía Nam của tỉnh. Vậy từ cửa biển có sông Sa Kỳ ra phía Bắc của tỉnh Quảng Ngãi, nếu ước tính tương đối theo chiều dài của bờ biển thì khoảng 60 km, ngư dân ở khu vực cửa biển phía Bắc của tỉnh cũng có cảng biển (cửa biển Sa Cần), tuy nhiên cửa biển này chưa được công nhận thì bà con ngư dân phải như thế nào?
Cảng Sa Cần không được công nhận là cảng loại I, II Ảnh: LVC
Tại Cảng Sa Kỳ, chị Lê Thị Nguyệt, vợ ngư dân Huỳnh Tấn Hải, chủ tàu cá QNg 95780 TS mặc bộ quần áo trùm đầu và cho biết, khi tàu từ Hoàng Sa về bờ thì thay vì chạy thẳng vào cửa biển Sa Cần thì lại phải chạy vòng vô tới cảng Sa Kỳ. Tàu cập cảng Sa Kỳ là một điều hết sức khó khăn, vì tàu câu mực đội giàn phơi kềnh càng, trong khi luồng vào cảng Sa Kỳ nhỏ hẹp và tấp nập tàu cá, tàu khách ra vào cảng.
Khi kể chuyện tàu phải chạy kiểu đi ngược để chứng giấy, nhập bến, kiểm tra hải sản, sau đó mới đi ngược về quê, chị Nguyệt thắc mắc hỏi “Sao cảng Sa Cần to bự hơn gấp nhiều lần, tàu bè ra vô thuận lợi nhưng cớ gì lại không công nhận là cảng, phải chạy tàu vô tận Sa Kỳ…?”. Câu hỏi của chị Nguyệt cũng là lời phàn nàn của nhiều chủ tàu cá khác. Ai cũng buồn bực về việc khi Luật Thủy sản được thực thi thì ngư dân lại khổ hơn trước gấp nhiều lần. Một chiếc tàu chạy ngược đường như tàu của vợ chồng chị Nguyệt thì tiêu tồn 400 – 600 lít dầu, thời gian mất cả ngày, tàu hư hỏng vì vô luồng hẹp, liên tục bị tàu chạy ngược hướng va vào giàn phơi mực đang xòe ra như cánh chim.
Tại sao quy định mới lại càng gây khó thêm cho ngư dân…? Đến làng chài ở cửa biển Sa Cần, bất cứ nơi nào cũng nghe người dân phàn nàn. Nhiều chủ tàu câu mực kể chuyện tàu chạy tới cảng Sa Kỳ, nhưng phải xếp hàng, neo trước cửa để chờ thủ tục khai báo, nhập dữ liệu trên máy tính. Có hôm mấy chiếc tàu bị sóng đánh nghiêng ngả, có tàu suýt bị chìm, ngư dân một phen hú vía.
Quy định làm khó ngư dân?
Ông Nguyễn Hữu Ngọt, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn cho biết, tình hình như vậy là quá căng, quá khó khăn cho bà con, tàu lớn chạy tới Sa Kỳ và chạy về thì tốn mấy trăm lít dầu, tốn cả ngày đường đi lại, người dân kiến nghị mãi nhưng tại sao không công nhận cảng Sa Cần là loại I, trong khi cảng này có thể cho cả tàu vận tải ra vào, luồng cảng rộng hơn gần chục lần cảng Sa Kỳ?
Đi theo các ngư dân và nghe họ kể vô số câu chuyện nhọc nhằn về việc chạy tàu đi xin chữ ký. Nhiều ngư dân kể lại câu chuyện khó tin về việc chiếc tàu câu mực với giàn phơi cồng kềnh, trên đường chạy từ Sa Cần tới cảng Sa Kỳ để xin chữ ký, nhưng gặp thời tiết xấu đột ngột và thuyền chòng chành như chiếc lá ở khu vực mũi Ba Làng An. Đây là vùng rất nhiều đá ngầm, mỏm đá nhô ra biển rất xa, nếu ngư dân sơ suất thì tàu sẽ đâm vào đá, sinh mạng ngư dân và cả con tàu đều gặp nguy hiểm.
Sau hơn 1 năm gửi đơn đến các cấp phản ảnh việc này, người dân ở cửa biển Sa Cần luôn thở dài. Quy định mới về việc phải vào cảng loại I, II để xác nhận chuyển biển, có giám sát việc sản phẩm thủy sản vào cảng. Tuy nhiên, ngư dân ở đây làm nghề câu mực khơi, sau mỗi chuyến biển trở về chỉ có thể bán mực tại ngay chính cửa biển Sa Cần, chứ không thể bán mực ở cửa biển khác. Vì vậy, sau lộ trình chạy tới cảng Sa Kỳ tiềm ần nhiều rủi ro, ngư dân lại tiếp tục chở tàu mực nặng vài chục tấn quay về cảng Sa Cần để bán cho tư thương. Và tất nhiên, cảng Sa Cần không được công nhận thì việc bán hải sản cũng không có ai giám sát theo luật định.
>> Vừa qua, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Quảng Nam đã khởi tố 2 cán bộ thuộc Chi cục Thủy sản Quảng Nam vì hành vi nhận hối lộ để giúp ngư dân khai khống hồ sơ tiền hỗ trợ nhiên liệu. |
Hà Anh