Cự ly các lồng, cụm đặt lồng không bảo đảm khoảng cách đề ra, không đáp ứng được yêu cầu xả thải, hòa loãng chất thải, dễ phát sinh và lây lan dịch bệnh…
Theo giới thiệu của Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), chúng tôi tìm đến gia đình anh Nguyễn Trung Kiên ở thôn Ninh Xá, xã Lê Ninh (Kinh Môn). Trước mắt chúng tôi là các lồng cá nằm san sát nhau. Ở đây không chỉ có gia đình anh Kiên tận dụng mặt nước nhánh sông Kinh Thầy nuôi cá lồng mà còn có thêm 2 hộ nữa. Dẫn chúng tôi xuống thăm các lồng cá, anh Kiên cho biết: “Trước đây tôi chăn nuôi kết hợp với thả cá tại gia đình, nhưng diện tích chật hẹp. Qua sách báo, tôi thấy cá lồng dễ nuôi và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tại tỉnh ta, tôi đã tới một số hộ dân ở huyện Nam Sách học hỏi kinh nghiệm. Ban đầu đặt 15 chiếc lồng, đến nay tăng lên 25 chiếc. Trung bình mỗi lồng có thể tích gần 90m3, nuôi được 5-6 tấn cá mỗi vụ, gần bằng 1 ha mặt nước. Với giá bán hiện tại 60-62 nghìn đồng/kg, mỗi lồng cá cho lãi từ 50-60 triệu đồng”.
Anh Nguyễn Trung Kiên ở thôn Ninh Xá, xã Lê Ninh (Kinh Môn) nuôi 25 lồng cá
Anh Kiên cũng cho biết thêm, nuôi cá lồng phải đầu tư lớn. Anh chỉ làm khung lồng lưới lồng bằng sắt mà cũng mất 25 triệu đồng/lồng. Ngoài ra còn phải mua thùng phuy để làm cho lồng cá nổi, gỗ ghép làm lối đi, nhà ở trông coi và chứa thức ăn cho cá. Tiền đầu tư cá giống thức ăn cũng khá lớn. Nhiều con cá không chịu được môi trường nước động, chật chội nên rất dễ chết. Thêm vào đó, tình hình dịch bệnh cũng luôn xảy ra, nhất là vào thời điểm giao mùa. Đợt tháng 5-6 vừa qua, do thời tiết thay đổi, cá trong lồng bị nấm. Ban đầu chỉ có một vài con có biểu hiện mắt, đầu nổi mụn trắng, sau lây lan nhanh sang những lồng khác. Vào mùa gió bão, phải huy động toàn bộ lực lượng để canh lồng đề phòng sự cố xảy ra. Khi gió lớn, các lồng cá thường bị rung lắc mạnh, lưu lượng nước chảy lớn nên các lồng cá rất dễ bị hỏng.
Xã Nam Tân (Nam Sách) cũng có hơn chục gia đình nuôi cá lồng. Theo quan sát của chúng tôi, các lồng này nằm san sát nhau, trải dài khoảng nửa cây số, chiếm khoảng 1/4 dòng chảy của sông Kinh Thầy. Các ngành chức năng và người dân tham gia nuôi cá lồng trên sông Kinh Thầy cần chú ý đến vấn đề thủy văn, thoát lũ, môi trường… Việc đặt các lồng sát nhau làm cho dịch bệnh dễ lây lan. Năm 2011, các lồng cá ở huyện Nam Sách đã từng bị bệnh xuất huyết, song may mắn là mức độ nhẹ nên thiệt hại không nhiều.
Các lồng cá ở Nam Tân (Nam Sách) được đặt san sát, rất dễ lây lan dịch bệnh
Các hộ dân ở xã Nam Tân (Nam Sách) nuôi cá lồng từ năm 2009. Theo khảo sát của Chi cục Thủy sản, năng suất trung bình của 1 lồng nuôi năm 2011 đạt 7,3 tấn, sau khi trừ chi phí cho lãi từ 60-70 triệu đồng. Do hiệu quả kinh tế mang lại cao như vậy nên số lượng lồng nuôi cá đang tăng nhanh chóng. Năm 2010 mới có 10 lồng, chủ yếu của một số hộ dân ở huyện Nam Sách thì đến năm 2011 đã có 251 lồng, mở rộng sang địa bàn TP Hải Dương, Kinh Môn, Chí Linh. 9 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã có 470 lồng nuôi cá, thêm huyện Ninh Giang có mô hình này.
Tuy nhiên, việc nuôi cá lồng đã biểu hiện một số bất cập. Do hình thức nuôi tự phát nên các hộ phát triển một cách tùy ý. Cự ly các lồng, cụm đặt lồng không bảo đảm khoảng cách đề ra, không đáp ứng được yêu cầu xả thải, hòa loãng chất thải, dễ phát sinh và lây lan dịch bệnh. Những năm qua, trên địa bàn tỉnh ta chưa có bão, lũ lớn xảy ra nên các hộ chưa có phương án đề phòng. Nếu có tình trạng trên, nước sông chảy mạnh sẽ dễ làm hỏng các lồng, gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Bên cạnh đó, việc phát triển ồ ạt lồng nuôi còn gây ảnh hưởng đến quan trắc thủy văn, vấn đề môi trường, giao thông thủy nội địa… Do hình thức nuôi này còn mới nên cơ quan chức năng còn lúng túng trong việc quản lý, kiểm tra, hướng dẫn người nuôi.