(TSVN) – Nhằm tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị 33/CT-TTg với những chỉ đạo mới, trong đó, yêu cầu Bộ NN&PTNT xem xét rác thải nhựa trong ngành nông nghiệp.
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kế hoạch giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng và xử lý chất thải nhựa trong ngành, lĩnh vực quản lý (hoàn thành trước ngày 30/10/2020).
Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện chế định quản lý chất thải rắn trong dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) theo hướng coi chất thải và chất thải nhựa là tài nguyên. Nghiên cứu, xây dựng hàng rào kỹ thuật môi trường đối với các sản phẩm, hàng hóa chứa hạt vi nhựa, nano nhựa và túi ni-lông để phòng ngừa các tác động xấu đến sức khỏe con người, môi trường sinh thái… Rà soát, tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật về nhãn sinh thái đối với túi ni-lông thân thiện môi trường.
Bộ Tài chính nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường theo hướng mở rộng đối tượng chịu thuế và tăng mức thuế đối với túi ni-lông, bao bì và sản phẩm nhựa khác; nghiên cứu đề xuất đánh thuế vật liệu nhựa gốc (virgin plastics).
Bộ NN&PTNT xây dựng, thực hiện kế hoạch giảm thiểu, thu gom, tái chế chất thải nhựa trong ngành trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản; thực hiện các giải pháp hạn chế sử dụng phao xốp trong ngành thủy sản (để làm nổi các lồng bè nuôi cá); xây dựng, thực hiện các giải pháp thu hồi các ngư cụ như lưới, phao bị thất lạc, bỏ quên hoặc thải bỏ trên biển (ALDFG) và thu hồi các bao bì thuốc bảo vệ thực vật, phân bón; chuẩn bị nguồn nguyên liệu cho các sản phẩm thay thế túi ni-lông khó phân hủy và đồ nhựa dùng một lần từ nông sản.