(TSVN) – “Không có lựa chọn nào khác ngoài sự bền vững” là thông điệp mạnh mẽ của FAO khi nói về Thực trạng ngành khai thác và NTTS 2020 vào đầu tháng 6 vừa qua. Nhưng làm thế nào để đánh giá được sự bền vững và đảm bảo an ninh lương thực cho dân số đang bùng nổ mà vẫn giảm thiểu tác động lên hệ sinh thái và đa dạng sinh học?
Đầu tiên, cần phải bắt đầu sàng lọc và làm sáng tỏ những đối tượng động vật biển đang có nguy cơ bị đe dọa. FAO đã đưa ra những con số thống kê khá chính xác về thực trạng nguồn lợi thủy, hải sản: 78,7% khối lượng cá biển đến từ những nguồn bền vững sinh học. Điều này có nghĩa, còn 21,3% (về khối lượng) và 34,2% (về số lượng) các loài thủy, hải sản chưa bền vững và cần sự cải thiện. Thứ hai, mọi hệ thống sản xuất thực phẩm đều gây ra những tác động và mang đặc trưng riêng biệt. Tuy nhiên, cần phải có một tầm nhìn chung để đảm bảo sự so sánh công bằng giữa các hệ thống này.
Nói về đạm động vật biển (chủ yếu là bột cá, dầu cá), thì những chương trình chứng nhận như MarinTrust, GlobalGAP, MSC hay FEMAS đã trở nên quen thuộc. Ngoài ra, chứng nhận Chuỗi hành trình sản phẩm giúp theo dõi xuất xứ các phụ phẩm, từ đó giảm thiểu tình trạng lãng phí cá nguyên liệu, đồng thời là giải pháp tốt để chống khai thác trái phép IUU. MarinTrust đang đặt mục tiêu nâng cao khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm toàn diện bằng công nghệ blockchain thông qua các phiên bản mới của tiêu chuẩn Chuỗi hành trình sản phẩm được công bố vào cuối tháng 7/2020. Ngày nay, hơn 50% thành phần biển trên toàn thế giới đã được chứng nhận.
Câu hỏi đặt ra, các thành phần nguyên liệu thức ăn được sản xuất trên cạn có cần chứng nhận không và tại sao tỷ lệ khối lượng được chứng nhận lại thấp hơn so với thành phần biển? Thực tế, chỉ 2% đậu tương và 19% dầu cọ được chứng nhận. Thị trường (người tiêu dùng) quan tâm và ủng hộ các chương trình chứng nhận thành phần đạm động vật biển bền vững từ những năm 2010. Những quốc gia cung cấp thủy sản sang thị trường phương Tây phải đáp ứng tiêu chuẩn cao, nhưng ngành thịt heo, thịt gà và thịt bò lại không như vậy vì nguyên liệu thức ăn đầu vào không trực tiếp đe dọa nguồn lợi tự nhiên. Điều này không có nghĩa các thành phần thực vật không cần chứng nhận bền vững. Các nhà sản xuất thành phần thực vật cho rằng, bản thân thực vật đã là bền vững vì nó thay thế bột cá và dầu cá trong thức ăn chăn nuôi với khối lượng lên đến 6 triệu tấn/năm. Dù vậy, những tiêu chuẩn mới như BAP cũng sẽ được áp dụng cho các nhà máy sản xuất đạm thực vật. Cụ thể, các nhà máy này sẽ phải áp dụng nguồn đậu tương và khô đậu đậu bền vững tối thiểu 50% có nguồn gốc được chứng nhận vào tháng 6/2022. Với tất cả đậu tương đầu vào, cho dù được chứng nhận hay không, các nhà máy phải đặt mục tiêu truy xuất nguồn gốc rõ ràng; chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm, loại trừ sản phẩm trồng trên đất phá rừng bất hợp pháp và khu vực nhạy cảm với môi trường. Sau tháng 6/2022, dầu cọ sử dụng trong thức ăn phải đạt chứng nhận bền vững (RSPO)…
Sắp tới, các tiêu chuẩn BAP mới cũng đặt ra yêu cầu nhà máy thức ăn chăn nuôi phải sử dụng tối thiểu 75% thành phần đạm động vật biển từ những nguồn đạt chứng nhận bền vững vào năm 2025. MarineTrust, Cơ quan đối tác nghề cá bền vững (SPF) cũng đồng tình với mục tiêu này. Chứng nhận quốc tế cho các thành phần thức ăn sẽ trở thành một xu hướng phổ biến. Bởi đây là cơ sở để tạo dựng niềm tin với khách hàng xuyên suốt chuỗi giá trị, góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành NTTS.
TGĐ Tổ chức Dầu cá, bột cá thế giới (IFFO)