Sở KH&CN vừa thành lập Hội đồng khoa học nghiệm thu ba dự án về nuôi thử nghiệm cá lăng chấm; nuôi thương phẩm cá sủ đất, cá chim vây vàng trong lồng bằng thức ăn công nghiệp tại vùng biển Quảng Ninh. Hội đồng nghiệm thu kết luận: cả ba dự án đều thực hiện thành công, góp phần bổ sung đối tượng nuôi mới và mở ra một hướng phát triển mới trong ngành Nuôi thuỷ sản tại Quảng Ninh.
Cá lăng chấm được coi là loại cá đặc sản nước ngọt hàng đầu của miền Bắc bởi thịt cá thơm, mềm, ít xương dăm. Hiện nay giá cá lăng chấm được bán trên thị trường dao động từ 170 đến 230.000 đồng/kg. Với địa hình nhiều sông suối, ao hồ, cộng thêm nguồn thức ăn là tôm cá tạp phong phú, Quảng Ninh rất phù hợp để nuôi cá lăng chấm. Do đó, từ năm 2009 đến 2011, Trung tâm Khoa học kỹ thuật và sản xuất giống thuỷ sản Quảng Ninh đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu thử nghiệm nuôi cá lăng chấm tại Quảng Ninh”. Kết quả của đề tài bước đầu đã đánh giá được khả năng thích nghi của cá lăng với điều kiện môi trường nuôi tại Quảng Ninh. Cá sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt trên 80%, sản phẩm thu được đạt trên 9 tấn cá/ha ao nuôi. Đặc biệt, đề tài đã xây dựng được tài liệu hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá lăng chấm với hai loại thức ăn cho cá. Cụ thể, đối với những vùng có sẵn nguồn thức ăn cá tạp hoặc sản phẩm phụ của nhà máy chế biến xuất khẩu thuỷ sản thì có thể sử dụng thức ăn là cá tạp. Còn đối với những vùng không chủ động được nguồn cá tạp có thể sử dụng thức ăn chế biến. Chị Nguyễn Thị Ngần, Chủ nhiệm đề tài cho biết: “Sau khi thử nghiệm, chúng tôi thấy nuôi cá lăng chấm đã đem lại hiệu quả kinh tế. Ở Quảng Ninh, đặc biệt là những huyện miền núi có ao nuôi nước chảy đều có thể áp dụng nuôi. Hy vọng, sau thành công của mô hình có thể nuôi đại trà, giúp người dân có thêm lựa chọn loài nuôi, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập”.
Nuôi thử nghiệm cá lăng chấm tại Trung tâm KHKT và sản xuất giống thuỷ sản Quảng Ninh. (Ảnh Tư liệu)
Khác với cá lăng chấm, cá sủ đất và cá chim vây vàng là hai loài cá biển đã được một số địa phương trong cả nước nuôi trong lồng bè trên biển, trong ao đất. Tuy vậy, ở Quảng Ninh thì chưa có một quy trình công nghệ hay hướng dẫn kỹ thuật nào về việc nuôi hai loại cá này – đặc biệt là nuôi thương phẩm trong lồng bè trên biển. Chính vì thế, các kỹ sư của Trường Cao đẳng Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT) đã thực hiện hai đề tài: Nghiên cứu công nghệ nuôi thương phẩm cá chim vây vàng và cá sủ đất trong lồng bằng thức ăn công nghiệp tại vùng biển Quảng Ninh. Đề tài nuôi cá sủ đất do Thạc sĩ Nguyễn Văn Tuấn chủ nhiệm. Đề tài nuôi cá chim vây vàng do Tiến sĩ Thái Thanh Bình chủ nhiệm. Cả hai loài cá đều được nuôi trong lồng bè tại Trạm Nghiên cứu hải sản trên biển của Trường Cao đẳng Thuỷ sản (đóng tại đảo ông Cụ, TP Cẩm Phả).
Cả hai đề tài được thực hiện từ giữa năm 2010 với hai nội dung chính: đánh giá khả năng sinh trưởng và tỷ lệ sống của cá chim vây vàng, cá sủ đất nuôi trong lồng bằng thức ăn công nghiệp và đánh giá hiệu quả kinh tế của quá trình nuôi thương phẩm hai loại cá này. Sau 13 tháng nuôi, kết quả cho thấy: tỷ lệ sống của cá chim vây vàng đạt khoảng 81%; tỷ lệ sống của cá sủ đất đạt khoảng 86%. Cho cá ăn bằng thức ăn công nghiệp Kinh Bắc cho hiệu quả cao hơn so với sử dụng thức ăn công nghiệp New Hope (hai loại thức ăn công nghiệp sẵn có tại địa phương). Với cá chim vây vàng, sau khi nuôi thử nghiệm sử dụng thức ăn Kinh Bắc đã cho lãi trên 4,6 triệu đồng/lồng (13m3) trong khi sử dụng thức ăn New Hope thì lỗ 1,2 triệu đồng. Còn cá sủ đất, nuôi bằng thức ăn Kinh Bắc cho lãi trên 10 triệu đồng/lồng, với thức ăn New Hope lãi ít hơn là 8,7 triệu đồng/lồng.
Kết quả nghiên cứu của hai đề tài cũng khẳng định: vùng biển Quảng Ninh hoàn toàn phù hợp để nuôi hai loại cá này bằng thức ăn công nghiệp. Đặc biệt, cá chim vây vàng và cá sủ đất đều chống chọi rét tốt, trong khi mùa đông ở Quảng Ninh kéo dài thì cá vược, cá giò có thể bị chết nhưng hai loại cá trên vẫn sống khoẻ. Đây cũng là hai loại cá chống chọi bệnh tốt, bệnh thường xuất hiện là trùng bánh xe và trùng quả dưa nhưng cách xử lý chữa trị cũng đơn giản, ít tốn kém. Cả hai đề tài đều xây dựng được hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá trong lồng bằng thức ăn công nghiệp với các nội dung khá đầy đủ như: chọn vị trí đặt lồng bè nuôi, cách làm lồng bè, chọn và thả giống, cho ăn và kiểm tra sinh trưởng, quản lý lồng nuôi, phòng trị bệnh cho cá, thu hoạch, …