Cần cù lao động, chịu khó học hỏi và biết áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi tôm nên mỗi năm, ông Lê Quang Toàn (thôn Ninh Mã, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh) thu lãi hàng tỷ đồng. Ông là tấm gương tiêu biểu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, góp sức xây dựng nông thôn mới.
Lần đầu gặp ông Toàn ngoài đìa tôm, chúng tôi lầm tưởng ông là người làm thuê, bởi làn da rám nắng, lúc nào cũng cặm cụi dưới ao đìa. Thật ra, ông là một tỷ phú, đang sở hữu gần 50 đìa tôm và cơ ngơi thuộc hàng lớn nhất vùng.
Ông Lê Quang Toàn (giữa) hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc tôm cho người lao động.
Ông Toàn kể, ông sinh ra trong một gia đình làm nông nghiệp ở thị xã Sông Cầu (tỉnh Phú Yên). Học hết cấp 3, ông theo bố mẹ vào TP. Cam Ranh lập nghiệp, rồi tình nguyện đi nghĩa vụ quân sự. Hết 2 năm nghĩa vụ, ông trở về lái xe thuê kiếm sống. Đến năm 1994, sau nhiều lần tới xã Vạn Thọ chở hàng cho khách, ông nhận thấy nơi đây có nhiều tiềm năng phát triển nghề nuôi trồng thủy sản nên quyết định chuyển tới đây định cư. Từ nguồn vốn tích cóp sau bao năm làm thuê, ông mua được 5.000m2 đất ngập mặn đắp đìa nuôi tôm sú. Ông đi nhiều nơi tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm nuôi tôm. Thật bất ngờ, vụ nuôi đầu tiên đã đem lại lợi nhuận hơn 100 triệu đồng giúp ông thêm động lực. Đến năm 2000, khi con tôm sú không đem lại hiệu quả cao, ông chuyển qua nuôi tôm thẻ chân trắng trên đìa đất. Những năm đầu, tôm thẻ phát triển nhanh, cho thu lời cao. Thế nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn, do đìa đất nuôi tôm dễ phát sinh dịch bệnh khiến ông bao phen thua lỗ.
Năm 2013, ông Toàn được Hội Nông dân xã cho đi học tập mô hình nuôi tôm thẻ trên đìa lót bạt. Thấy hay, ông mạnh dạn vay vốn đầu tư, san lấp lót bạt 2 ao đìa. Chỉ sau 70 ngày nuôi, tôm cho thu hoạch đạt 65 đến 70 con/kg, thu lời hơn 1,2 tỷ đồng/vụ. Lấy ngắn nuôi dài, có tiền, ông tiếp tục mua thêm đất làm đìa trải bạt. Nhờ nuôi tôm trúng lớn, ông Toàn liên tiếp mở rộng quy mô. Đến nay, gia đình ông đã phát triển được 44 đìa nuôi tôm thẻ trải bạt, 5 đìa nuôi ốc hương và hồ lắng, xử lý nước với tổng diện tích hơn 12ha.
Có kinh nghiệm, gia đình ông Toàn còn mở đại lý cung cấp nguồn thức ăn, thuốc và vật tư, thông qua đó tư vấn kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi tôm cho hàng trăm hộ dân địa phương. Đồng thời, ông còn đầu tư hệ thống lưới điện để giúp các hộ có nguồn điện phục vụ nuôi tôm. Không chỉ vậy, ông Toàn còn tạo điều kiện cho các hộ nuôi tôm khác về vốn đầu tư, trả chậm tiền thức ăn nuôi tôm, con giống mỗi năm hơn 6 tỷ đồng. Nhờ đó, các hộ nuôi tôm ở đây phát triển rất nhanh, có nhiều hộ đã thoát nghèo nhờ sự giúp đỡ của ông.
Hiện nay, gia đình ông Toàn thả nuôi 3 vụ/năm. Qua đó, góp phần tạo việc làm thường xuyên cho hơn 40 lao động địa phương và tạo việc làm thời vụ cho 250 người với thu nhập bình quân khoảng 7 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, ông còn có chính sách thưởng hiệu quả sau mỗi một vụ nuôi, trung bình từ 10 đến 30 triệu đồng/người. Ông Đặng Hữu Công (ở xã Vạn Phước) cho biết: “Tôi gắn bó với cơ sở nuôi tôm của ông Toàn đã 6 năm, với mức lương hơn 7 – 8 triệu đồng/tháng. Ông Toàn đối đãi rất tình cảm, luôn sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ khi chúng tôi gặp khó khăn”.
Với sự nỗ lực trong phát triển kinh tế, nhiều năm liền, gia đình ông Toàn được các cấp hội nông dân công nhận đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Từ năm 2012 đến nay, ông đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp trung ương. Ông Toàn chia sẻ: “Gia đình tôi có được thành quả này là nhờ ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm thực tiễn vào sản xuất. Mô hình nuôi tôm đang mang lại lợi nhuận mỗi năm cho gia đình hơn 6 tỷ đồng”. Hiện nay, cả 5 người con của ông Toàn đều nối nghiệp bố, cũng trở thành tỷ phú nhờ nuôi tôm.
Ông Trần Quang Khánh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Thọ cho biết: “Ông Lê Quang Toàn là hội viên điển hình, không chỉ giúp gia đình phát triển kinh tế ổn định, mỗi năm, ông Toàn còn tích cực hỗ trợ, giúp đỡ cho gần 60 hộ nuôi tôm về vốn, kỹ thuật, thức ăn, con giống. Những nỗ lực và hỗ trợ của ông Toàn đã góp phần nhân rộng phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, chung tay xây dựng nông thôn mới” của địa phương”.