(TSVN) – Tiếp nối vụ trước, sản lượng đánh bắt cá thu saury Pacific (cá sanma) năm nay tại Nhật Bản vẫn thấp kỷ lục, đặt ra nhu cầu cấp bách phải thắt chặt quản lý nguồn lợi khai thác bằng hạn ngạch.
Trong tiếng Nhật, cá thu saury Pacific được gọi là sanma hay “cá kiếm mùa thu”, tượng trưng cho hương vị mùa thu và được sử dụng làm thực phẩm quanh năm tại Nhật Bản. Nhưng giá cá thu saury đang tăng từng ngày đến mức cá hộ gia đình tại Nhật Bản khó mua được loại cá này – một trong những thực phẩm quen thuộc trong các bữa cơm hàng ngày.
Một trong số những nguyên nhân chính khiến cá thu saury ngày càng khan hiếm là tình trạng khai thác quá mức bởi các đội tàu nước ngoài. Cùng đó, nhiệt độ nước biển tăng cao cũng ảnh hưởng đến quá trình cá di cư sang các vùng biển phía Bắc.
Cứ đến cuối tháng 8 là vào vụ khai thác cá thu saury và cũng là lúc những chiếc tàu đầy ắp cá tấp nập đổ về cảng Hanasaki ở Nemuro, Hokkaido. Tuy nhiên, sang năm nay, lượng cá về cảng chỉ đạt vài tấn, giảm mạnh so mức 500 tấn của vụ đầu năm 2019.
Cá thu saury di cư từ Bắc Thái Bình Dương tới các vùng biển phía Nam quanh Nhật Bản để sinh sản vào mùa hè và mùa thu. Sản lượng khai thác cá thu saury ngày càng thấp một phần cũng do các đội tàu cá Trung Quốc và Đài Loan đang khai thác quá mức. Trong khi đó, ngoài khơi ngay bên ngoài đặc khu kinh tế Nhật Bản vẫn còn cá thu saury, nhưng khai thác ngoài khơi không phải là sở trường của ngư dân địa phương thuộc Nhật Bản – vốn chỉ quen khai thác cá saury ven bờ bằng tàu nhỏ.
Yoshihide Suga, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản nhấn mạnh hôm 28/8/2020 tại một cuộc họp báo: Tăng cường và củng cố hoạt động quản lý nguồn lợi cá saury là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng. Những điều cần thực hiện ngay lập tức là phải tuân thủ hạn ngạch khai thác cá thu saury Pacific hàng năm đều đặn, từng quốc gia.
Tuy nhiên, do cuộc họp Ủy ban thủy sản bắc Thái Bình Dương (NPFC) năm nay bị trì hoãn bởi đại dịch Covid-19, các phiên thảo luận về hạn ngạch khai thác cá thu saury năm 2021 vẫn chưa thực hiện được. Mặc dù các quốc gia thành viên trong năm 2019 đã đồng ý giảm hạn ngạch, nhưng vẫn còn quốc gia lưỡng lự hợp tác như Trung Quốc. Do đó, rất cần một quốc gia tiên phong thực thi hạn ngạch và kêu gọi các quốc gia khác noi theo, gồm nước Nga và để nâng cao sự đồng thuận về hạn ngạch.
NPFC là một tổ chức quốc tế với 8 quốc gia thành viên và vùng lãnh thổ gồm Nhật Bản,Trung Quốc, Đài Loan – cùng bàn bạc về quản lý cá thu saury Thái Bình Dương. Lần đầu tiên vào năm ngoái, tổ chức này đã thống nhất sẽ hạn chế khai thác cá thu saury ở mức 550.000 tấn quanh các vùng biển quốc tế và đặc khu kinh tế vào năm 2020. Nhưng mức hạn ngạch thống nhất lại cao hơn con số khai thác 440.000 tấn gần đây nên những nỗ lực bảo tồn nguồn lợi của NPFC đang bị hoài nghi, cũng như ý thức thực thi luật hạn ngạch còn lỏng lẻo. Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, cùng với giám sát nghiêm ngặt thông qua các hệ thống giám sát tàu cá qua vệ tinh của NPFC, cũng cần phải phân tích dữ liệu chi tiết về số lượng tàu cá đang hoạt động, cập cảng, nhập khẩu, xuất khẩu để đạt hiệu quả trong công tác quản lý và bảo tồn nguồn lợi.