(TSVN) – Hơn 3 năm qua, tỷ lệ tôm được nuôi bằng các phương pháp thâm canh và bán thâm canh của Việt Nam đã ghi nhận tăng trưởng vượt bậc và xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong tương lai.
Tại Hội thảo của Hiệp hội chuyên gia NTTS Ấn Độ tổ chức ngày 24/9, Việt Nam là cái tên thu hút sự chú ý bởi năng suất tôm nuôi luôn đạt mức cao, ước 15 tấn/ha/vụ trong khi Ấn Độ chỉ 10 – 11 tấn/ha/vụ.
Sự khác biệt lớn nhất giữa Việt Nam và Ấn Độ chính là mô hình thâm canh tại Việt Nam đang phát triển theo thời gian. So sánh 2 năm 2017 và 2019, lượng tôm quảng canh tại Việt Nam đã giảm từ mức 2% vào năm 2017 xuống mức 20% vào năm 2019, còn 583.000 tấn. Trong khi đó, tỷ lệ thâm canh lại tăng 10% năm 2017 lên mức 65% vào năm 2019. Mô hình thâm canh đang có sức hút lớn với nông dân, vì chính phủ, ban, ngành quản lý và người nuôi tôm là những mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị đang ra sức phát triển mô hình này. Mô hình siêu thâm canh cũng ghi nhận tăng trưởng, thậm chí vượt mô hình thâm canh. Điều này thực sự đang giúp nông dân Việt Nam chuyên nghiệp hơn. Trong khi, người nuôi tôm tại Ấn Độ vẫn đang loay hoay giữa 2 mô hình quảng canh và bán thâm canh.
Nói chung, người tiêu dùng tại những thị trường lớn như Mỹ thích tôm cỡ lớn hơn, trong khi khách hàng Trung Quốc lại có xu hướng lựa chọn tôm cỡ nhỏ hơn. Tuy nhiên, nuôi thâm canh sẽ giúp nông dân nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường tốt hơn. Ví dụ, ở mức giá 4,70 USD/kg, nuôi siêu thâm canh có lợi nhuận cao hơn tới 27%. Những nhân tố tạo ra chi phí như thức ăn, chế phẩm sinh học, tôm post, nhân công, năng lượng có lợi hơn trong mô hình nuôi thâm canh. Do đó, mô hình này sẽ còn tiếp tục gia tăng tại Việt Nam và sắp tới là Ấn Độ.
Những hãng chế biến tôm lớn tại Việt Nam đang nâng cao chuỗi giá trị để tăng lợi nhuận. Nhiều hãng đang liên kết dọc qua mô hình trại giống và trại nuôi khép kín trong nhà mà họ đã bỏ nhiều vốn và công sức nghiên cứu. Những doanh nghiệp này muốn tự chủ nguồn cung tôm giống đến tôm nguyên liệu và đang hợp tác để phát triển những gen di truyền mới. Ngoài ra, họ cũng sử dụng máy cho ăn tự động kiểm soát các thông số nuôi tôm và mô hình nuôi tôm nhiều giai đoạn nhằm nâng cao tỷ lệ sống.
Các công ty nuôi tôm lớn cũng thắt chặt hợp tác với nông dân để đảm bảo đầu ra. Nhà chế biến đang khuyến khích, trong một số trường hợp còn hỗ trợ nông dân tiếp cận các chứng nhận quốc tế. Chứng nhận ngày càng được coi trọng bởi đây giống như “giấy thông hành” để tôm Việt tiến vào thị trường Mỹ và châu Âu. Thực tế, chứng nhận quốc tế đã giúp tôm Việt Nam thắng lớn trong phân khúc bán lẻ năm nay. Những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành nguồn cung tôm cho thị trường châu Âu và châu Á ở phân khúc sản phẩm bán lẻ và giá trị gia tăng.
Sản phẩm của Ấn Độ chủ yếu là tôm đông lạnh, đang cạnh tranh với các nguồn cung khác như Ecuador để tiến vào thị trường Trung Quốc nhưng COVID-19 vẫn đang là trở ngại lớn đối với 2 quốc gia này. Trái lại, sản phẩm tôm của Việt Nam đa dạng hơn vì đã chú trọng vào sản phẩm giá trị gia tăng suốt một thời gian dài.
CEO, Grobest