T3, 10/11/2020 11:05

Con tôm số 109

(TSVN) – Xuất bản tháng 11 – 2020.

Thưa quý vị bạn đọc!

Từ nhiều năm nay, con tôm vẫn được coi là chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam khi chiếm ưu thế lớn trong sản xuất và xuất khẩu. Năm nay, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã khiến xuất khẩu nhiều mặt hàng thủy, hải sản của nước ta sụt giảm nghiêm trọng, thế nhưng, con tôm vẫn giữ được mức tăng trưởng dương gần như liên tục trong 3 quý đầu năm. Thế nên, tôm đã dễ dàng chiếm tỷ trọng chi phối với hơn 44% giá trị xuất khẩu toàn ngành thủy sản.

Hiện nay, ngoài tôm sú và TTCT, việc nâng cao giá trị các đối tượng tôm nuôi khác cũng đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của ngành và lãnh đạo các địa phương, đặc biệt khi các mô hình nuôi đa canh, xen ghép đang lên ngôi, trong đó, tôm càng xanh có nhiều ưu thế.

Mới đây, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt Đề án phát triển sản xuất và xuất khẩu tôm càng xanh. Mục tiêu, phát triển sản xuất và xuất khẩu tôm càng xanh theo hướng bền vững và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đây có thể coi là bước đi mới của ngành tôm Việt Nam. Bởi nếu thực hiện tốt Đề án, ngành tôm Việt Nam sẽ có nhiều hơn sự lựa chọn trong xuất khẩu.

Chia vui với xuất khẩu, nhưng cũng chia buồn với ngành tôm miền Trung. Bởi trong tháng 10 vừa qua, bão, lũ lụt tại các tỉnh miền Trung đã khiến rất nhiều ao, hồ nuôi tôm mất trắng, hàng chục tỷ đồng của bà con bị cuốn trôi theo dòng lũ dữ. Thiên tai đã tạm lắng, thế nhưng, việc khắc phục hậu quả để tái sản xuất vụ tôm mới cũng không đơn giản, bởi ô nhiễm môi trường nặng nề, bởi nỗi lo vốn đầu tư đang nặng trĩu với bà con. Vậy nên, người nuôi tôm miền Trung đang rất cần được ngành, các tổ chức tín dụng, ngân hàng hỗ trợ giảm, giãn nợ và cho vay mới với lãi suất ưu đãi để phục hồi sản xuất.

Cùng với đó là vấn đề dịch bệnh, khi tổng diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại trong 10 tháng đầu năm 2020 là hơn 39.536,6 ha, chiếm 94,18% trong tổng diện tích thủy sản nuôi bị thiệt hại, cao gấp 1,93 lần so cùng kỳ năm 2019 và chiếm 5,56% tổng diện tích nuôi tôm của cả nước. Dịch bệnh luôn là mối lo ngại trong phát triển thủy sản nói chung nhất là với nuôi tôm, bởi đây là nhân tố làm giảm hiệu quả sản xuất, tăng chi phí cho người nuôi. Do đó, cần có kế hoạch quốc gia và huy động được các nguồn lực, sự tham gia của tất cả các bên liên quan trong việc chủ động phòng, chống hiệu quả các loại dịch bệnh.

Trải qua một tháng nhiều thách thức, Đặc san Con Tôm rất chia sẻ cùng ngành và bà con, hy vọng người nuôi tôm ở miền Trung thân thương sẽ nhận được nhiều hỗ trợ, ưu đãi để bắt đầu lại vụ sản xuất kịp đón Xuân mới. Đặc san Con Tôm sẽ luôn đồng hành cùng ngành, quý doanh nghiệp và bà con trên mọi chặng đường phát triển.

Để đặt mua báo. Xin vui lòng điền thông tin vào biểu mẫu sau: 

    Chúng tôi sẽ liên hệ sớm nhất sau khi bạn điền đầy đủ thông tin vào form đăng ký.

    Hoặc quý độc giả có thể liên hệ:

    Phòng Quảng cáo Phát hành – Tạp chí Con Tôm

    Số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội.

    Điện thoại: (024) 377 11 756

    Email: phqc@thuysanvietnam.com.vn

    Trân trọng!

    Ban Biên Tập

    error: Content is protected !!