Niên vụ tôm năm 2012 tại Bình Định: Năng suất tôm tăng, dịch bệnh được khống chế

Chưa có đánh giá về bài viết

Đến thời điểm này, niên vụ nuôi tôm năm 2012 của ngư dân Bình Định đã cơ bản khép lại.

Ông Võ Đình Tâm – Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Bình Định cho biết: Trong năm nay, toàn tỉnh đã có 2.476ha mặt nước tại các địa phương như Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước và TP.Quy Nhơn được đưa vào nuôi tôm.

Đến nay đã cơ bản thu hoạch xong diện tích nuôi tôm cả 2 vụ trong năm với sản lượng đạt 4.517 tấn. Một số vùng nuôi tôm thẻ chân trắng ven biển Phù Mỹ, Hoài Nhơn đạt năng suất từ 9 – 11 tấn/ha/vụ. Điều đáng ghi nhận là dịch bệnh tôm nuôi đã được khống chế có hiệu quả, diện tích bị dịch bệnh thấp hơn so với các vụ nuôi trước.

 

Việc xây dựng được quy chế nuôi đã giúp vụ tôm năm nay an toàn, bội thu.

Tính chung cả 2 vụ nuôi, diện tích tôm nuôi bị dịch bệnh là 165ha, chiếm 6,7% diện tích nuôi cả năm. Một số vùng nuôi tôm trước đây thường xuyên bị dịch bệnh tấn công như Phước Hòa, Phước Sơn (Tuy Phước), Mỹ Chánh, Mỹ Thành (Phù Mỹ), Hoài Hải, Hoài Mỹ (Hoài Nhơn)… thì trong niên vụ này đã giảm đáng kể.

Theo ngành chức năng và bà con nuôi tôm, nguyên nhân làm cho dịch bệnh tôm năm nay giảm thấp là nhờ người nuôi tôm đã tuân thủ đúng các giải pháp kỹ thuật và lịch thời vụ thả tôm giống mà ngành nông nghiệp đã ban hành và khuyến cáo từ đầu vụ nuôi. Bên cạnh đó, Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh đã thực hiện thường xuyên, đúng định kỳ việc quan trắc chất lượng môi trường nước tại các địa điểm nuôi tôm nước lợ, nước mặn trên địa bàn toàn tỉnh.

Từ những kết quả quan trắc, Chi cục đã kịp thời đưa ra cảnh báo, đề xuất, khuyến cáo các giải pháp kỹ thuật đến người nuôi tôm. Một nguyên nhân quan trọng làm cho việc nuôi tôm năm nay thành công là nhờ tính cộng đồng trách nhiệm trong nuôi tôm được thực hiện có hiệu quả.

Tại các vùng nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh như vùng nuôi tôm trên cát ở các xã khu Đông Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Tuy Phước, ngành chức năng đã vận động người nuôi tôm xây dựng quy chế nuôi tôm rất cụ thể và có chế tài bắt buộc bà con phải thực hiện nghiêm chỉnh.

Ngay từ đầu vụ nuôi, ao đìa phải được cải tạo, diệt khuẩn kỹ lưỡng; con giống thả nuôi phải được kiểm tra kỹ mầm bệnh; trong quá trình nuôi nếu phát hiện có dịch bệnh xảy ra, phải tổ chức dập dịch ngay, không được xả nước thải bừa bãi…

Nguyễn Quý

Dân Việt

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!