T2, 06/07/2020 10:09

Vàm Láng (Tiền Giang): Phát triển kinh tế địa phương gắn liền với biển

Chưa có đánh giá về bài viết

Là địa phương có số lượng tàu đánh cá lớn nhất của tỉnh Tiền Giang, Vàm Láng (thuộc huyện Gò Công Đông) đã thay da đổi thịt từ một xã nghèo trở thành một thị trấn sầm uất với nhiều nhà cao tầng, xe cộ lưu thông nhộn nhịp. Ngày nay, thị trấn Vàm Láng không chỉ gắn với hình ảnh đội tàu đánh bắt cá khơi xa hùng hậu mà còn là nơi có hệ thống dịch vụ, hậu cầu nghề cá triển mạnh.

Nghề khai thác hải sản ở Vàm Láng không biết hình thành từ năm nào, nhưng một số “lão làng” địa phương này chỉ nghe nói hàng trăm năm trước, nơi này có một số ngư dân đóng tàu nhỏ mon men đánh bắt ven biển. Rồi một ngày kia, một ông cá voi từ biển nặng cả tấn vào lụy (chết) trong rạch Vàm Láng. Để tỏ lòng thành kính, người dân Vàm Láng đã chôn cất ông bên bờ rạch và lập miếu thờ. Từ đó đến nay, ngư dân Vàm Láng đi đánh bắt trên biển luôn suôn sẻ, tàu về đầy ắp cá và ngày càng vươn đến các vùng biển xa.

 

Cá về cảng Vàm Láng

Theo số liệu thống kê, hiện toàn huyện Gò Công Đông có khoảng 760 tàu đánh cá thì thị trấn Vàm Láng có tới hơn 400 tàu cá; phần lớn các tàu này có công suất trên 90 CV, được đầu tư trang thiết bị hiện đại như: máy bộ đàm, định vị, phao cứu sinh,… để cập nhật tình hình thời tiết, liên lạc với đất liền cũng như đề phòng rủi ro tai nạn trên biển. Hàng năm, đội tàu đánh cá này mang về đất liền hơn 22.000 tấn hải sản phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và chế biến hải sản xuất khẩu.

Cùng với sự phát triển của đội tàu đánh bắt hải sản, các dịch vụ hậu cần nghề cá (cảng cá, sửa chữa tàu, ghe, thu mua, sơ chế hải sản, cung cấp dầu, nước đá,…) phát triển nhanh chóng. Hiện toàn thị trấn có hơn 730 cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ, trong đó có 176 cơ sở chế biến và 461 tiểu thương góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương.

Lưới kéo là nghề khai thác chính ở Vàm Láng, nhưng trước đây các tàu này thường hoạt động riêng lẻ, mỗi tàu tự chủ về vốn, đánh bắt, tiêu thụ nên hiệu quả khai thác không cao. Khi hoạt động đánh bắt ngày càng tăng về quy mô, phát triển về số lượng thì ngư dân Vàm Láng càng nhận thức được rằng vấn đề liên kết với nhau thành các tổ hợp tác và khai thác có kế hoạch là yêu cầu cấp thiết. Chính vì vậy, dưới sự vận động, hỗ trợ của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng, đến nay toàn xã Vàm Láng đã có 6 tổ hợp tác sản xuất trên biển được thành lập với hơn 30 tàu, 160 thành viên tham gia, nhằm hạn chế rủi ro, tiết kiệm chi phí sản xuất, trao đổi thông tin giá cả sản phẩm, nâng cao hiệu quả cho mỗi chuyến khai thác.

Ông Trần Văn Rô, Tổ trưởng Tổ hợp tác thủy sản Tiến Phát (xã Vàm Láng) cho biết, việc tổ chức đánh bắt trong tổ hợp tác được phân công rõ ràng. Các tàu cá trong tổ thay phiên nhau đưa sản phẩm vào cảng cá Vàm Láng và lấy nhiên liệu ra tiếp tế cho các tàu đang đánh bắt ngoài khơi. Với cách làm này, sản phẩm đánh bắt có chất lượng cao hơn, bán được giá hơn, trong khi đó chi phí của chuyến biển thấp, thời gian khai thác cũng dài hơn nên hiệu quả tăng lên rất nhiều, tăng thu nhập cho ngư dân.

Các tổ hợp tác khai thác hải sản biển thành lập và hoạt động mang lại hiệu quả đã tạo điều kiện thuận lợi để Liên đoàn Lao động tỉnh Tiền Giang vận động thành lập Nghiệp đoàn Khai thác hải sản Vàm Láng vào năm ngoái. Tổ chức này đã tập hợp được hơn 300 đoàn viên là những người lao động trên các tàu cá, cảng cá, các lao động phục vụ hậu cần nghề cá; lao động thuộc các hợp tác xã khai thác, các tổ nhóm khai thác hải sản trên biển.

Ngư dân Nguyễn Văn Ba, người có thâm niên hơn 7 năm làm việc cho các tàu khai thác hải sản ở Vàm Láng phấn khởi cho biết: “Ngư dân chúng tôi chưa bao giờ đi biển mà thấy tự hào như lúc này, bởi chúng tôi biết rằng đi biển không chỉ là cái nghề mưu sinh mà còn là trách nhiệm của một công dân trong việc giữ gìn biển đảo quê hương, bảo vệ lãnh thổ quốc gia. Chúng tôi càng thấy tự tin, an tâm hơn trong hoạt động đánh bắt ở vùng biển xa khi chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các tổ chức, đoàn thể địa phương”.

Thành Công

tiengiang.gov.vn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!