(TSVN) – Nguồn cung tôm toàn cầu đang có xu hướng tăng cao trong vài năm qua, cùng đó, giá tôm đi xuống cho thấy thị trường đang trở nên bão hòa. Đã đến lúc ngành tôm cần học theo chiến lược marketing của các hãng sản xuất quả bơ (chiến dịch xây dựng bản sắc riêng của sản phẩm) để thúc đẩy tiêu thụ.
Tại hội nghị trực tuyến về thị trường tôm toàn cầu của Hiệp hội chuyên gia nuôi thủy sản (SAP), Ấn Độ vào ngày 24 – 25/9/2020, Ravi Yellanki từ Công ty Vaisakhi Biomarine cho biết, ngành tôm tại Ấn Độ đã chấp nhận sống chung với đại dịch COVID-19.
Theo Angel Rubio, Trưởng nhóm phân tích tại Urner Barry, lượng bán lẻ tôm tăng suốt đại dịch nhưng vẫn không thể bù đắp sự sụt giảm doanh số từ phân khúc dịch vụ ẩm thực nên giá tôm vẫn giảm. Dù vậy, phân khúc bán lẻ cũng thắng lớn so với mọi năm nhờ giá thấp đã kích thích người tiêu dùng mua hàng nhiều hơn. Dường như kinh nghiệm nấu ăn tại nhà sẽ khuyến khích người tiêu dùng tích cực mua tôm tại cửa hàng bán lẻ, thậm chí sau COVID-19.
Tại châu Âu, theo thống kê thương mại tôm toàn cầu Shrimp Insights, tiêu thụ tôm đã giảm 6% tính đến tháng 6/2020, nhưng chủ yếu là tôm nước lạnh. Tôm nuôi nước ấm ít bị tác động hơn với lượng tiêu thụ chỉ giảm 1%. Do các nhà hàng mở cửa trở lại, doanh số tôm mùa hè năm nay tương đối tốt.
Chế biến xuất khẩu tôm tại Ecuador. Ảnh: Vilches
Vincent Lin, thuộc Grobest Seafoods cho biết, Trung Quốc đã nhập khẩu 703.000 tấn tôm trong năm 2019 nhưng giá trung bình lại giảm. Do đại dịch, nhu cầu tôm tăng trở lại vào tháng 6 nhưng sang tháng 7/2020 lại giảm khi nhà chức trách phát hiện bao bì tôm đông lạnh nhập khẩu từ Ecuador dính virus corona. Người tiêu dùng bắt đầu e ngại dẫn đến lượng nhập khẩu đến giá tôm đều giảm. Sản xuất tôm của Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng do sự xuất hiện của các dịch bệnh mới. Lin cho biết thêm trong tương lai, thị trường Trung Quốc có thể nhập khẩu một số sản phẩm tôm ướp lạnh hoặc đông lạnh HOSO cao cấp. Nhưng nhập khẩu phục hồi về mức tương tự hoặc vượt năm ngoái chỉ khi người tiêu dùng khôi phục niềm tin với thực phẩm đông lạnh không chứa rủi ro lây lan virus corona.
Chia sẻ quan điểm từ phía doanh nghiệp xuất khẩu tôm, Pawan Kumar Gunturu của Sprint Foods, Ấn Độ cho biết, phong tỏa đột ngột dẫn đến nhiều khó khăn trong điều hành nhà máy chế biến và lao động nhập cư. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm bị hủy hoặc hoãn đơn hàng. Chính phủ không khuyến khích xuất khẩu dẫn đến khó khăn thêm chồng chất. Dù vậy, sản phẩm giá trị gia tăng của Ấn Độ vẫn tăng 5%. Gunturu cho biết Ấn Độ sẽ nâng cao năng lực sản xuất để tăng tỷ lệ sản phẩm giá trị gia tăng trong tương lai không xa.
Theo TS P.Anikumar, Cơ quan xúc tiến xuất khẩu thủy sản Ấn Độ (MPEDA), xuất khẩu tôm của Ấn Độ giảm 15% nhưng xuất khẩu tôm chín và tẩm bột sang Mỹ lại tăng; điều này chứng tỏ doanh nghiệp đã linh hoạt đáp ứng nhu cầu thị trường trong ngắn hạn. S.Santhana Krishnan của Maritech, hãng tư vấn thủy sản và nuôi trồng cho biết khả năng cung cấp tôm cỡ lớn của Ấn Độ có thể là lợi thể để phục vụ các thị trường.
Nguồn cung tôm tại các nước sản xuất chính gồm Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ và Ecuador sẽ chi phối toàn cảnh nguồn cung thế giới. Samson Li, Grobest Feed CEO nhấn mạnh, nguồn cung tôm từ Việt Nam không bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thị trường nội địa lớn mạnh và nhu cầu từ thị trường nhập khẩu vẫn được duy trì tốt. Ngoài ra, kiểm soát đại dịch nghiêm ngặt cộng với chính sách phong tỏa hợp lý cũng giảm thiểu gián đoạn nguồn cung. Tuy vậy, tổng sản lượng tôm của Việt Nam vẫn giảm từ 630.000 tấn vào năm 2019 xuống 570.000 tấn vào năm nay. Nhưng lâu dài, ngành tôm Việt Nam được dự báo tăng trưởng tốt với sản lượng cao hơn nhờ theo đuổi mô hình nuôi thâm canh suốt hơn hai năm qua.
Ngược với Việt Nam, Indonesia không thực hiện phong tỏa nghiêm ngặt từ đầu, Haris Muhtadi, CJ Feeds cho biết. Nửa đầu năm 2020, sản lượng và xuất khẩu tôm vẫn tăng nhẹ so cùng kỳ 2019. Sản lượng tôm Indonesia đạt gần 350.000 tấn vào năm 2019 vào 200.000 tấn trong 6 tháng đầu năm 2020. Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Indonesia khi thu mua 65% sản lượng tôm của nước này. Nhưng do đại dịch, sản lượng tôm của Indonesia năm nay có thể giảm 6 – 7%.
Trong khi đó, phong tỏa độ ngột và nghiêm ngặt từ sớm tại Ấn Độ đã khiến sản xuất và chế biến tôm đều bị gián đoạn. Giá tôm thấp hơn làm nông dân nản chí và thu hoạch sớm khi tôm còn nhỏ (size 100 – 140). Đến khi phong tỏa được nới lỏng, ngành tôm lại thiếu hụt lao động. Kết quả, sản lượng tôm của Ấn Độ năm nay ước đạt 675.000 tấn, giảm mạnh từ mức 800.000 tấn của năm 2019.
Về nguồn cung tại Mỹ Latinh, Gabriel Luna, một chuyên gia ngành tôm tại Ecuador cho biết sản lượng tôm năm ngoái 630.000 tấn, nhưng tới tháng 8/2020 đã đạt khoảng 450.000 tấn, tăng 6% so cùng kỳ. Dù vậy, khi COVID-19 xuất hiện, nông dân không thể thu hoạch vụ tôm trong tháng 4 và tháng 5 do bị phong tỏa, tiếp đến là xuất khẩu sang Trung Quốc bị gián đoạn. Do đó, giá tôm thấp chưa từng có trong lịch sử. Rất may, Ecuador đã nhanh chóng chuyển hướng sang thị trường Mỹ và châu Âu. Các hãng tôm Ecuador cũng nỗ lực tăng sản xuất bằng cách mở rộng trang trại, chuyển sang nuôi thâm canh, chú trọng cải thiện tăng trưởng tôm và tỷ lệ sống; đồng thời nâng cao lợi nhuận bằng cách tấn công thị trường ngách như tôm hữu cơ.
Nguồn cung từ các nước sản xuất chính không bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19; nhưng nguồn cung tôm nuôi toàn cầu sẽ giảm khoảng 10% so năm 2019. Thương mại toàn cầu của ngành tôm đã không bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu xét trên quy mô lớn, trừ trường hợp Trung Quốc. Tuy nhiên, làn sóng COVID-19 quay lại sẽ khiến lượng tôm tồn kho tại Mỹ tăng cao hơn và lượng tiêu thụ hàng hóa vào mùa đông năm nay giảm. Sau cùng, dù giá tôm vẫm thấp, nhưng phản ứng của các nước sản xuất chính trước mức giá này như thế nào sẽ là nhân tố quan trọng tác động đến các quyết định tương lai về sản xuất, sản phẩm, thị trường trọng điểm và công nghệ nuôi.
>> Hiện, thị trường châu Âu chưa công bố dữ liệu chính thức, nhưng doanh số bán hàng trong suốt tháng 7 và tháng 8 năm nay tăng rất cao, theo các nhà nhập khẩu và bán buôn tại Hà Lan, Bỉ và Đức. Tuy nhiên, làn sóng COVID-19 thứ 2 vừa quay lại châu Âu kéo theo nhiều đợt phong tỏa mới có nguy cơ tác động tiêu cực đến tiêu thụ tôm cuối năm nay và đơn hàng tôm giữa tháng 10 và tháng 1, tháng 3/2021 sẽ ít hơn mọi năm. |
Dũng Nguyên