(TSVN) – 2020 là một năm đầy biến cố. Đầu năm, chuỗi cung ứng thủy, hải sản đã bị gián đoạn do đại dịch và phải tới gần giữa năm, các doanh nghiệp mới quen dần và tìm ra các con đường mới để đưa hàng hóa ra thị trường.
Nhiều cách thức mới về giao tiếp, họp mặt, truyền đạt kiến thức, ra mắt sản phẩm hay tương tác trên mạng lưới toàn cầu xuất hiện. Thực trạng khai thác và NTTS thế giới (SOFIA) của FAO với hơn 1.000 người tham gia là một ví dụ điển hình.
Suốt làn sóng đầu tiên của đại dịch, mạng lưới logistics đứt gãy gần như hoàn toàn. Nguyên nhân có thể do chính quyền tại nhiều quốc gia đã trở tay không kịp cũng như chưa thực sự hiểu về chuỗi cung ứng NTTS như thế nào. Tại Ấn Độ, người nuôi tôm đến nhà máy chế biến đều chật vật để tồn tại. Một mắt xích quan trọng là tôm giống trong chuỗi cung ứng đã bị COVID-19 phá vỡ, khiến toàn chuỗi bị sụp đổ. Thị trường trung gian và bán buôn gián đoạn do đi lại bị hạn chế. Cũng từ đó, bán hàng trên mạng phát triển thịnh hành nhờ Facebook, Instagram và cả chợ điện tử như Lazada cũng bắt đầu kinh doanh thủy sản tươi sống.
COVID-19 làm lộ rõ những khuyết điểm của cấu trúc thị trường, đặc biệt là thị trường của sản phẩm cá biển giá trị cao. Ngoài ra, đại dịch cũng tác động đến nhu cầu tiêu thụ tôm. Lượng tiêu thụ tôm nói riêng và hải sản nói chung tại các cửa hàng dịch vụ ẩm thực sụt giảm mạnh không thể bù đắp, nhất là thị trường Mỹ và châu Âu. Trước đó, vào cuối năm 2019, ngành tôm còn khủng hoảng dư thừa nguồn cung khiến giá bán giảm. Lúc này, khi xuất khẩu khó khăn, thị trường nội địa mới được chú trọng hơn. Malaysia, Indonesia, hay nước xuất khẩu đến 95% sản lượng tôm như Ấn Độ cũng bắt đầu chuyển hướng phát triển thị trường nội địa.
Thu nhập của người dân trong đại dịch cũng giảm mạnh, đặc biệt tại châu Á – nơi có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tại Philippines, đây cũng là nhóm khách hàng tiêu thụ chính của sản phẩm phổ biến như cá rô phi. Trong khi đó, trong tháng 10, sản lượng cá rô phi tại một số trại trên đảo Luzon còn tăng 50%. Đầu đại dịch, khoảng 4 – 5 triệu tấn cá chép tại Trung Quốc vẫn chưa tiêu thụ được. Tại Na Uy, ngành cá hồi “im lìm” với giá không đổi.
An ninh lương thực trở thành vấn đề “báo động đỏ” tại nhiều quốc gia. Singapore đã nhập khẩu 125.000 tấn hải sản và cũng lên kế hoạch phát triển NTTS để đáp ứng được 30% nhu cầu thị trường nội địa. Nuôi thủy sản tại vùng thành thị bằng hệ thống RAS cũng thu hút được sự quan tâm, nhưng chủ yếu ở những quốc gia lớn hơn như Trung Quốc. An ninh lương thực không đơn thuần là sản xuất thực phẩm để đưa lên kệ hàng trong siêu thị, mà bao hàm rộng lớn hơn gồm cả nguồn cung protein thức ăn – là nền tảng cốt lõi của ngành thức ăn chăn nuôi thủy sản và động vật trên cạn.
Bài học mà ngành thủy sản toàn cầu, đặc biệt là châu Á rút ra đó là phải học cách thích nghi với đại dịch và mạnh dạn bước qua năm 2020. Hãy chú trọng vào các chiến lược marketing, cách thức mới để đưa sản phẩm ra thị trường, giá trị gia tăng và sự bền vững.
Biên tập viên Aquaculture Asia Pacific