(TSVN) – Diễn biến thời tiết thất thường là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh trên thủy sản. Vì vậy, để phòng tránh và xử lý dịch bệnh, người nuôi cần quản lý tốt 3 yếu tố: mầm bệnh, môi trường và vật chủ.
Người nuôi cần tuân thủ tuyệt đối lịch thời vụ và căn cứ vào tình hình thị trường để xem xét, tính toán kỹ đối tượng, số lượng nuôi trước khi thả giống, hạn chế việc thả giống gối vụ, nhất là vào thời điểm hiện nay.
Trước khi thả giống, thực hiện các biện pháp cải tạo ao kỹ, gia cố xung quanh bờ ao tránh rò rỉ; bón vôi để tiêu diệt mầm bệnh, ổn định độ pH và diệt tạp. Cần xử lý kỹ nguồn nước đưa vào ao nuôi. Ðối với hình thức nuôi tôm quảng canh cải tiến và quảng canh, hạn chế tối đa việc sử dụng trực tiếp nguồn nước ngoài sông, rạch đưa vào ao (do nguồn nước này có độ mặn tăng cao trên 35‰). Vì vậy, cần phải chủ động nguồn nước sạch đã qua ao lắng để cung cấp, thay nước cho ao khi cần thiết.
Ảnh minh họa
Không nên thả với mật độ quá dày. Con giống phải được chứng nhận kiểm dịch và phải đảm bảo chất lượng.
Các bể, ao, dụng cụ phục vụ trong quá trình ương nuôi cần được vệ sinh và khử trùng. Thuốc khử trùng bao gồm Chlorine, hơi nóng, hơi nước, formalin và các hợp chất hóa học khác.
Hạn chế người và thiết bị giao thông có thể giúp làm giảm nguy cơ lây truyền bệnh từ cơ sở này sang cơ sở khác. Người chăm sóc, quản lý cần phải rửa tay, chân bằng các dung dịch khử trùng thích hợp, sau khi xử lý thiết bị hoặc thủy sản và trước khi chuyển sang làm việc trên ao kế tiếp.
Người nuôi cần tính toán lượng thức ăn hàng ngày chính xác, tránh dư thừa gây lãng phí và ô nhiễm môi trường ao nuôi. Cho ăn nhiều bữa trong ngày để giảm chất thải hữu cơ trong ao. Tăng cường sức đề kháng cho thủy sản bằng cách bổ sung Vitamin C, khoáng, vi sinh đường ruột, chất bổ gan trộn vào thức ăn.
Tuyệt đối không sử dụng các loại kháng sinh để phòng bệnh. Kháng sinh không diệt được virus, vì thế, với các bệnh do virus gây ra thì không thể sử dụng kháng sinh để phòng hoặc trị. Trong những trường hợp bắt buộc phải sử dụng kháng sinh để trị bệnh, người nuôi cần lưu ý chỉ dùng kháng sinh điều trị bệnh do vi khuẩn gây ra và sử dụng kháng sinh không thuộc danh mục cấm do Bộ NN&PTNT quy định. Tuân thủ đúng liều dùng và thời gian dùng thuốc theo hướng dẫn của nhà sản xuất, phối trộn vào khẩu phần ăn hàng ngày của thủy sản.
Thường xuyên quan sát các hoạt động bơi lội, bắt mồi của thủy sản để có biện pháp xử lý kịp thời.
Trong quá trình nuôi, hạn chế tối đa việc đánh bắt, kéo lưới. Khi thực hiện nên thao tác nhẹ nhàng, tránh làm thủy sản bị xây xát.
Việc quản lý tốt môi trường ao nuôi là cách phòng bệnh hữu hiệu, người nuôi cần đặc biệt lưu ý. Chủ động giám sát môi trường, định kỳ lấy mẫu nước, mẫu bùn 2 lần/tháng tại các vùng nuôi; quan trắc môi trường để cảnh báo sớm những bất thường, thay đổi về các yếu tố thủy lý, thủy hóa như nhiệt độ, độ mặn, độ kiềm, ôxy hòa tan, độ pH, NO2, NO3, NH3.
Giai đoạn này, người nuôi cần dự trữ đủ các loại vôi, khoáng chất, các chất xử lý môi trường, nhiên liệu… để xử lý kịp thời các tình huống xấu xảy ra.
Khi mật độ vi khuẩn trong nước ao nuôi cao, tiến hành thay nước và diệt khuẩn bằng cách sử dụng một trong số các sản phẩm như Vikato; TCCA; Chlorine hoặc Iodine với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Sử dụng vôi bột pha nước tạt xuống ao nuôi với lượng 3 – 5 kg/100 m3 nước, cứ 3 tuần thực hiện 1 lần.
Định kỳ 2 tuần/lần, sử dụng các chế phẩm sinh học giúp phân giải xác tảo tàn, thức ăn thừa, chất hữu cơ trong nước, ổn định độ pH. Đồng thời, gián tiếp làm tăng hàm lượng ôxy hòa tan, giảm các độc tố tồn tại trong môi trường nước.
Khi phát hiện các yếu tố môi trường diễn biến bất thường, người nuôi cần thông tin nhanh cho các cơ quan chức năng để có giải pháp ứng phó, xử lý kịp thời.
>> Nhằm hạn chế những tác động xấu do thời tiết gây ra, các địa phương và người nuôi cần thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để chủ động các biện pháp bảo vệ thích hợp. |