(TSVN) – Trước đây, nhiều người cho rằng nuôi biển mới là hướng đi mới và tiềm năng cùng mục tiêu “lấy biển nuôi đất liền”. Nhưng đến nay, nuôi thủy sản trên cạn trong hệ thống tuần hoàn (RAS) lại đang bùng nổ trên phạm vi toàn cầu.
2020 là một năm quá nhiều khó khăn bởi ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19. Tuy dịch bệnh chưa được đẩy lùi nhưng sẽ trở thành động lực thúc đẩy các quốc gia phải nâng cao năng lực để tập trung hơn vào hoạt động sản xuất trong nước và xa hơn là có khả năng tự chủ nguồn cung thủy, hải sản.
Giảm khí thải CO2 trở thành trọng tâm trong các hoạt động NTTS. Do đó, việc vận chuyển hải sản bằng máy bay từ những khu vực nuôi cá lồng xa xôi, hẻo lánh trở nên ít hấp dẫn hơn trong tương lai. Từ đó, thúc đẩy sự phát triển theo hướng mô hình trang trại trên đất liền vì người chủ trại có thể điều chỉnh vị trí địa lý của trang trại đó gần những thị trường tiêu thụ trọng điểm như New York, Bắc Kinh, Tokyo hay Paris.
Mô hình RAS khiến cho việc nuôi bất cứ loài cá nào và ở bất cứ đâu cũng đều trở nên khả thi vì các điều kiện vật lý và hóa học của hệ thống nước bể nuôi nằm trong tầm kiểm soát. Chúng ta hoàn toàn có thể nuôi cá Kingfish (cá cam sọc) trong một hệ thống trên cạn tại Đan Mạch ở nhiệt độ ổn định 21°C mặc dù khí hậu nơi đây lạnh giá và trên thực tế, cá cam sọc không thể tồn tại ở vùng đất đó ngoài tự nhiên. Hay một trại nuôi cá hồi hiện đại vẫn có thể được xây dựng trên cạn và có khả năng làm sạch bất cứ nguồn nước đầu vào sẵn có bằng những công cụ hiệu quả như lọc vi sinh, ozone và UV.
Nhiều nước nuôi thủy sản ngày càng chú trọng đến tính bền vững. Đây chính là một lực đẩy quan trọng cho sự phát triển của hệ thống RAS trên cạn vì các hệ thống này có khả năng giảm ô nhiễm – điều mà một hệ thống nuôi cá lồng truyền thống trên biển không thể làm được. Do đó, rất nhiều quốc gia như Đan Mạch và Canada đang cấm mở rộng hoặc xây mới các trại nuôi cá lồng trên biển; đồng thời khuyến khích phát triển các mô hình RAS trên đất liền.
Dù vậy, nuôi cá lồng trên biển vẫn được duy trì tại một số khu vực khác như Na Uy và Chilê bởi điều kiện trên biển tại đây rất thích hợp với nuôi cá lồng. Nhưng cái giá phải trả đó là tình trạng rận biển ngày càng gia tăng, nhiều dịch bệnh mới xuất hiện khiến chi phí sản xuất tăng cao hơn. Một trong những phương tiện để giảm những rủi ro này là rút ngắn giai đoan nuôi tăng trưởng trên biển bằng cách tăng kích cỡ của cá hồi non được sản xuất trên hệ thống trong đất liền trước khi chúng được đưa ra ngoài khơi.
Tại Na Uy, các cơ sở nuôi cá trên cạn đầu tiên vẫn có thể nuôi được cá hồi đến khi đạt cỡ thu hoạch 5 kg/con. Hiện, nhiều dự án nuôi cá trên cạn quy mô khổng lồ ở Na Uy đang trong quá trình phát triển. Với những lợi thế sẵn có, RAS khiến chúng ta phải suy nghĩ đến phương hướng NTTS trong tương lai: trên cạn hay đất liền. Sự lựa chọn của mỗi quốc gia không giống nhau, nhưng nên ưu tiên các mô hình nuôi hiệu quả và có khả năng bảo vệ môi trường tự nhiên.
CEO Nordic AquaFarms