(TSVN) – Mỗi năm, đại dương hứng chịu rất nhiều rác thải nhựa từ nhiều nguồn thải ra. Theo một báo cáo, thủy sản cũng là lĩnh vực “góp phần” vào tình trạng này; trong đó, việc thất thoát các loại lưới đánh cá đã và đang gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng đối với sinh vật biển nói riêng và hệ sinh thái biển nói chung.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, biển Việt Nam nằm trong vùng có tính đa dạng sinh học khá cao, xếp thứ 16 trong số các quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới với khoảng 11.000 loài sinh vật đã được phát hiện. Trong đó, có khoảng 6.000 loài động vật đáy, 2.038 loài cá, 225 loài tôm biển, 15 loài rắn biển, 12 loài thú biển, 657 loài động vật phù du; 94 loài thực vật ngập mặn, 14 loài cỏ biển, khoảng hơn 400 loài san hô. Các loài này cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, có năng suất sinh học cao và quyết định toàn bộ năng suất sơ cấp của toàn vùng biển. Các đặc trưng này tạo nên tính đa dạng về cảnh quan tự nhiên, sinh thái và nguồn lợi hải sản, có vai trò vô cùng quan trọng cho phát triển kinh tế biển nói chung và kinh tế thủy sản nói riêng.
Tuy nhiên, hệ sinh thái biển ở nước ta đang dần bị suy thoái, chưa kể những tác động tiêu cực từ hoạt động khai thác thủy sản và vấn nạn rác thải nhựa đại dương, trong đó, phải kể đến là lưới ma.
Anh Lê Chiến, Trung tâm Cứu hộ sinh vật biển Sasa, chia sẻ: “Trong một lần khảo sát tại Phú Quốc của nhóm chúng tôi, tính tổng trên 1 km2 tôi tìm được 300 tấm lưới ma. Trong năm 2018 – 2019, tại Bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng, chúng tôi đã cắt được 15 tấn lưới ma. Một con số rất đáng báo động”.
Lưới ma đang là vấn đề đáng báo động đối với đại dương. Ảnh: ST
Theo một báo cáo của Tổ chức Hòa bình xanh, mỗi năm có hơn 640.000 tấn lưới, dây thừng, chậu và bẫy được sử dụng trong đánh cá thương mại bị đổ và vứt bỏ trên biển. Trong đó, lưới và dây thừng có thể là mối đe dọa đối với động vật hoang dã trong nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ, bao gồm mọi loài sinh vật biển, từ cá nhỏ và động vật giáp xác đến rùa, chim biển và cả cá voi.
Khi những tấm lưới đánh cá bị mất trên biển chúng trở thành lưới ma và làm bị thương cũng như giết chết rất nhiều sinh vật biển, bao gồm cả các rạn san hô. Lưới đánh cá được làm bằng nilon hoặc các chất tổng hợp khác, chúng có thể tồn tại trong các đại dương nhiều thập kỷ.
Theo một báo cáo của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), những tấm lưới móc đánh cá đặt dưới đáy biển là nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này. Phần dưới của các lưới này bị neo dưới đáy biển và mặt trên trôi dạt trên mặt biển tạo thành một bức tường lưới dọc đáy biển và có thể trôi bất kỳ nơi đâu với 600 – 1.000 m chiều dài. Nếu một lưới móc bị bỏ quên hay thất lạc, nó vẫn có thể tiếp tục tự động đánh bắt cá nhiều tháng, thậm chí vài năm, vô tình giết chết cá và các loài sinh vật biển khác.
Vào năm 2015, Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên đã thu hồi tại biển Baltic được 268 tấn lưới, dây thừng và các vật liệu khác. Còn ở Việt Nam, việc thu gom lại những tấm lưới ma cũng đang dần được thực hiện.
Anh Lê Chiến cho biết thêm, trong những tấm lưới ma được tìm thấy, số lượng san hô, cua, cá bị mắc vào và chết rất nhiều, gần như bao gồm cả một chuỗi thức ăn trong đó. Một tấm lưới chỉ vài trăm nghìn, nhưng để trồng lại được những phần san hô này chúng ta phải mất cả vài chục nghìn đô la Mỹ. Vậy nên có thể gọi lưới ma là thảm họa sinh thái. Bởi khi san hô không còn thì nơi sinh sản của cá biển cũng mất.
“Để thu gom hết tấm lưới ma dưới biển gần như không thể và việc xử lý nó cũng vô cùng khó khăn, thế nên, cần thiết phải quản lý tốt lưới đánh cá. Theo kinh nghiệm của Na Uy, tất cả ngư cụ đều được quản lý, tấm lưới nào cũng có date, khi đến hạn thì không hỏng cũng phải trả lại. Trường hợp lưới bị mất thì ngư dân chủ động báo về, khi đó với kinh nghiệm thì họ có thể đón bắt hải lưu để thu vớt lại”, anh Chiến chia sẻ.
>> Để giảm thiểu rác thải nhựa trên biển từ ngành thủy sản, Bộ NN&PTNT đã giao Tổng cục Thủy sản thực hiện các giải pháp thu gom, tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa và hạn chế sử dụng phao xốp để làm nổi các lồng bè nuôi cá; kiểm soát chặt chẽ chất thải nhựa tại các khu bảo tồn biển và cộng đồng dân cư ven biển; xây dựng, thực hiện các giải pháp thu hồi các ngư cụ như lưới, phao bị thất lạc, bỏ quên hoặc thải bỏ trên biển… |
Phạm Thu