(TSVN) – Thiệt hại này xảy ra ở xã Phú Xuân (huyện Phú Vang). Nguyên nhân do thời tiết diễn biến phức tạp khiến cá nuôi đột ngột chết.
Ông Đỗ Công Khiêm, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân thông tin, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã 675,6 ha; trong đó, nuôi cao triều 245,2 ha; hạ triều 95,8 ha và chắn sáo 334,6 ha. Các đợt lũ cuối năm vừa qua, môi trường bị ô nhiễm, mới đây xảy ra rét đậm rét hại khiến nhiều diện tích nuôi tôm, cua, cá bị thất thoát, chết trên 90%, ước thiệt hại trên 20 tỷ đồng. Các hộ thiệt hại nặng chủ yếu nuôi cao triều, hộ thiệt hại nhiều nhất trên 200 triệu đồng.
Riêng các đợt rét đậm rét hại mới đây, trên địa bàn xã có 49 hộ nuôi có cá chết, ước thiệt hại trên 1 tỷ đồng. Nguyên nhân do nhiệt độ xuống thấp kết hợp với độ mặn thấp, môi trường ao nuôi ô nhiễm, người dân không thể thay nước do kênh mương hư hỏng trong các đợt lũ. Điều kiện môi trường không đảm bảo khiến cá nuôi yếu, bị nhiễm khuẩn dẫn đến chết hàng loạt và chết nhanh gây thiệt hại lớn.
Trước tình hình này, Trung tâm Khuyến nông Thừa Thiên – Huế khuyến cáo người dân chủ động, tuân thủ thực hiện các biện pháp phòng, chống rét và bảo vệ cá theo hướng dẫn của cơ quan chức năng. Ngoài ra, cần thả thêm bèo tây 1/3 – 2/3 diện tích mặt ao, hoặc che chắn bằng lưới bạt, giàn cây trên mặt ao để giảm tác động của giá rét. Dùng máy sục khí, tạo dòng chảy để lưu thông nước, làm tăng lượng ôxy trong ao; có thể thả thêm một số đối tượng sống tầng đáy, có khả năng chịu rét như cá chép để khuấy động đáy ao, tránh hiện tượng cá chết ở tầng đáy. Ngoài theo dõi, chăm sóc, phải bổ sung thức ăn đủ chất dinh dưỡng, hoặc thức ăn công nghiệp chất lượng cao có chứa Vitamin C và khoáng chất. Đối với những đối tượng nuôi thương phẩm đạt kích cỡ, khi nhiệt độ xuống quá thấp cần thu hoạch ngay, tránh thiệt hại…