(TSVN) – Việc bị Ủy ban châu Âu (EC) giơ “thẻ vàng” đã khiến cho xuất khẩu hải sản của nước ta gặp rất nhiều khó khăn và liên đới đến các sản phẩm thủy sản khác tại thị trường EU. Nhiệm vụ tháo gỡ cảnh báo này luôn được đặt ra cấp bách, không chỉ giúp xuất khẩu hanh thông sang EU mà còn để tránh những hệ lụy xấu có thể xảy đến.
Nhằm tăng cường công tác giám sát tàu cá, Tổng cục Thủy sản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; đến nay, đã có gần 26.000 tàu cá lắp đặt (đạt 84%); đánh dấu 88.445/94.572 tàu cá (đạt 94%), trong đó tàu có chiều dài từ 6 – 12 m là 42.748 tàu; tàu từ 12 – 15 m là 16.357 tàu; tàu từ 15 m trở lên là 29.340 tàu. Cùng đó, tổ chức trực ban 24/24, vận hành hệ thống, theo dõi, xử lý các tàu cá từ 24 m trở lên vượt ranh giới cho phép trên biển hay mất tín hiệu kết nối theo các quy trình quy định.
Ngoài ra, thực hiện báo cáo EC về tình hình triển khai thực hiện khuyến nghị tại “Báo cáo giám sát” về chống khai thác IUU; cung cấp thông tin bổ sung theo yêu cầu của phía DG-MARE. Chưa kể, Việt Nam đã trình sáng kiến xây dựng Lộ trình chống khai thác IUU trong khu vực 2021 – 2025 lên Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về nông, lâm nghiệp, nhằm tăng sức mạnh và hiệu quả trong chống khai thác IUU.
Theo đánh giá, công tác khắc phục “thẻ vàng” của EC vẫn được triển khai quyết liệt từ Trung ương đến địa phương. Một số địa phương đã vào cuộc tương đối tốt trong công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đánh dấu tàu cá và xử phạt hành vi vi phạm IUU. Đã chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản trái phép ở các quốc đảo Thái Bình Dương. Các kết quả triển khai đã được Đoàn thanh tra của EC đánh giá cao và ghi nhận sự cam kết, quyết tâm chính trị cũng như nỗ lực của Việt Nam trong việc chống khai thác IUU, triển khai các khuyến nghị của EC.
Tuy nhiên, tình hình tàu cá khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài tiếp tục diễn biến phức tạp. Cùng đó, mặc dù hạ tầng phục vụ phát triển thủy sản đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đảm bảo, chưa tương xứng với lợi thế và giá trị xuất khẩu hàng năm của ngành thủy sản. Hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão còn thiếu hoặc xuống cấp, không đáp ứng được theo các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU, chưa đáp ứng được yêu cầu về vệ sinh ATTP tại các cảng cá.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, những kết quả đạt được sau thời điểm kiểm tra lần thứ hai của Đoàn thanh tra EC tại Việt Nam đến nay, phía EC đánh giá một số công tác vẫn còn chậm, chưa có chuyển biến rõ nét, cụ thể như: Việc triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, đánh dấu tàu cá theo lộ trình quy định chưa được đảm bảo theo tiến độ quy định; công tác xử phạt hành vi vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài còn hạn chế, chưa tương xứng với số vụ việc vi phạm; đặc biệt tiếp tục xảy ra tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài có giảm nhưng vẫn chưa vững chắc và diễn biến còn phức tạp.
Theo ông Phùng Đình Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi, trước năm 2018, tình hình ngư dân Quảng Ngãi xâm nhập vùng biển nước ngoài rất là nhiều, nhất là tại các quốc đảo Thái Bình Dương. Nhưng từ khi thực hiện Chỉ thị 45 của Thủ tướng Chính phủ, cả hệ thống chính trị của tỉnh tích cực vào cuộc nên từ năm 2018 đến nay không có tàu cá nào của ngư dân Quảng Ngãi xâm phạm khai thác trái phép vùng biển nước ngoài. Cùng đó, nhận thức của cán bộ và ngư dân Quảng Ngãi về tác hại của “thẻ vàng” rất rõ, ảnh hưởng trực tiếp rất lớn đến đời sống của ngư dân, nên ngư dân chấp hành các quy định của Luật Thủy sản và các quy định mới tích cực hơn trước. Tuy nhiên, cái khó trong công cuộc gỡ “thẻ vàng” là hạ tầng nghề cá của tỉnh không đảm bảo.
Cụ thể, tỉnh có 7 cảng cá được chỉ định nhưng cả 7 cảng này gần như không đáp ứng được tiêu chí cảng cá loại I, loại II theo quy định của Luật Thủy sản, sức chứa và năng lực bốc dỡ của các cảng cá này rất hạn chế nên theo mùa vụ cùng một lúc nhiều tàu cá vào cập cảng thì thời gian bốc dỡ bị chậm làm ảnh hưởng đến giá cả và thu nhập của bà con. Do vậy, hiện nay, nhiều tàu cá không vào cảng lên cá mà cập các bến tư, khiến cơ quan quản lý không kiểm soát được sản lượng thủy sản khai thác. Đây là khó khăn lớn nhất của tỉnh trong nỗ lực gỡ “thẻ vàng”.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cũng chia sẻ, trong cuộc khảo sát thực tế tại các địa phương, điều dễ nhận thấy là vấn đề cảng cá vẫn chưa được khắc phục. Hầu hết cảng cá tại các tỉnh chưa được đầu tư đúng mức để có thể đáp ứng theo yêu cầu của EC, chưa đảm bảo vệ sinh ATTP. Vậy nên, để sớm gỡ được “thẻ vàng”, cần quan tâm và tăng cường đầu tư lại hệ thống các cảng cá, đồng thời phải quản lý tốt hoạt động sản xuất của ngư dân.
Bảo Hân