(TSVN) – Chuyên gia độc lập về chính sách phát triển nông nghiệp và nông thôn, PGS.TS Vũ Trọng Khải phân tích, tập trung đất đai bằng sáp nhập nhiều trang trại tạo vùng sản xuất tập trung hoặc dùng tiền mua để tích tụ đất đai là điều kiện hàng đầu cho một nền sản xuất lớn.
Đất đai trong tay các “nông dân lớn” để làm chủ sản xuất, không có cấp quản lý trung gian. Các “nông dân lớn” tập hợp thành các HTX đích thực, có năng lực quản lý sản xuất và ký hợp đồng với doanh nghiệp tiêu thụ.
Sự liên kết đó tạo ra chuỗi giá trị sản xuất – chế biến – tiêu thụ. Thực trạng ngành thủy sản hiện nay, Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản đánh giá: “Ngoại trừ một số ngành hàng đã tổ chức tốt khâu chế biến gắn với sản xuất nguyên liệu như cá tra, tôm nuôi và một số doanh nghiệp, tập đoàn công ty lớn có năng lực đã liên kết tốt với người nông dân như Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Sao Ta, Vĩnh Hoàn, Hùng Vương, Nam Việt còn cơ bản vẫn manh mún, nhỏ lẻ và phân tán”.
TS Nhị Lê (nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản) cho rằng, hai thập kỷ qua, nước ta mới “dịch vụ hóa” nền kinh tế chứ chưa phải công nghiệp hóa, hiện đại hóa đồng bộ. Trong ngành thủy sản, quả thật mới thấy rộn ràng “dịch vụ” buôn bán sản phẩm đầu vào và đầu ra, ít thấy chuỗi giá trị sản phẩm chất lượng cao của một nền kinh tế thủy sản hiện đại.
Nhiều chuyên gia nhấn mạnh, thực chất của hiện đại hóa, công nghiệp hóa là phát triển kỹ thuật (Technical) và phát triển công nghệ (Technology). GS.TS Nguyễn Bảo Vệ (nguyên Trưởng Khoa Nông nghiệp, Trường ĐH Cần Thơ) nói thêm: “Người nông dân thiếu nền tảng khoa học nhưng họ rất sáng tạo trong công việc. Vì vậy, cần hướng dẫn về nền tảng khoa học, còn kỹ thuật để họ tự sáng tạo ra giải quyết yêu cầu khoa học đó”.
Thực tế như việc sử dụng điện trong nuôi tôm thâm canh, ở tỉnh Cà Mau năm nào cũng xảy ra tai nạn chết người, gây nỗi đau dai dẳng. HTX Nuôi tôm năng suất cao Tân Hưng (Cái Nước) có 250 ha thâm canh đã tìm cách thoát nỗi lo đó bằng sáng chế thiết bị biến điện 220V xuống 12-24-48V chạy hệ thống quạt. Chủ tịch HĐQT Huỳnh Xuân Diện cho biết: “Hai vụ rồi, HTX đầu tư cho 10 ha, vừa tuyệt đối an toàn vừa tiết kiệm điện. Hy vọng năm mới được vay vốn tín dụng ưu đãi để mở rộng”.
Một nền kinh tế thủy sản hiện đại xứng tầm ở quốc gia biển Việt Nam còn phải mạnh mẽ hướng ra biển để phát huy lợi thế cạnh tranh. Tư duy thế kỷ đại dương, kinh tế thủy sản nước ta gắn chặt với biển cũng là gắn chặt “công nghiệp xanh”.
Kinh tế thủy sản hiện đại hướng đại dương, theo nhấn mạnh của PGS.TS Vũ Trọng Khải: “Phải đáp ứng được 3 mục tiêu: Phát triển kinh tế, phát triển văn hóa – xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên và nhân văn. Trước hết là nền kinh tế an toàn cho người sản xuất, người tiêu dùng trong và ngoài nước, an toàn cho môi trường sinh thái”.
Ngọc Huyền