Những năm gần đây, các tỉnh ven biển ĐBSCL tăng rất nhanh số lượng tàu khai thác hải sản với công suất mạnh nhưng năng suất đánh bắt không tăng, tài nguyên cạn kiệt và đời sống ngư dân ngày càng khó.
Năng suất, lao động lạc hậu
Tại tỉnh Cà Mau, năm 1997 có 3.182 chiếc tàu, tổng công suất 162.000 CV; hiện nay tăng lên 4.791 chiếc, tổng công suất gần 444.000 CV. Số lượng tàu tăng 50%, tổng công suất tăng 174%. Trong lúc, sản lượng đánh bắt chỉ tăng 23%.
Ông Võ Chí Sĩ, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ và khai thác thủy sản Cà Mau nói: “Năng suất đánh bắt ngày càng giảm, thêm vào chi phí khai thác biển tăng nhanh hơn giá bán sản phẩm, đưa đến kết quả đời sống ngư dân ngày càng khó khăn”.
Ông Trần Minh Đặng ở khu vực 1, thị trấn Sông Đốc, (Trần Văn Thời, Cà Mau), cho biết: “Năm 1997, tôi chỉ có một chiếc tàu, trang bị máy 56 CV. Hiện nay, tôi và các con có 11 chiếc tàu, trang bị máy từ 230 CV đến 350CV. Nhưng hiệu quả thì quá thấp do ngư trường cạn kiệt, chi phí liên tục tăng mà sản phẩm bán với giá không tăng kịp. So với 10 năm trước đây, sản lượng khai thác giảm 60-70 % với nhiều nghề”.
Tính đến giữa năm 2012, toàn tỉnh Kiên Giang có 12.240 chiếc, tổng công suất 1.615.680 CV. Số lượng tàu đóng mới và mua mỗi năm tăng bình quân 300 chiếc, công suất khoảng 40.000 CV. Tuy nhiên, gần đây đánh bắt và tiêu thụ sản phẩm luôn gặp khó khăn.
Bán hải sản trên biển – Ảnh: Tiến Hưng.
Ông Đặng Văn Ngữ, Chủ tịch Hội nghề cá TP Rạch Giá, cho biết: “Gia đình tôi có 10 cặp cào đôi, công suất bình quân 500 CV mỗi cặp, chuyên đánh bắt xa bờ. Cách đây dăm năm làm ăn còn mang về lợi nhuận mấy chục phần trăm. Mấy năm nay đánh bắt trầy trật, phần thì ngư trường cạn kiệt, phần thì giá các mặt hàng tăng cao, sản phẩm đánh bắt giảm, không khéo là lỗ”.
Đoàn tàu khai thác biển ở Bạc Liêu có 1.176 chiếc, tổng công suất máy 153.000 CV, trong đó, tập trung ở cửa biển Gành Hào (Đông Hải) hơn nửa.
Ông Nguyễn Trường Hận, Trưởng phòng NN- PTNT Đông Hải, nói: “Nghề khai thác biển chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng như bến bãi, cảng, chế biến càng làm cho nghề đánh bắt khó khăn thêm. Như cảng cá Gành Hào chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu lên xuống hàng hóa”.
Lao động khai thác biển cũng còn rất lạc hậu. “Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Cà Mau cho biết, trước năm 2010, số ngư phủ được đào tạo chưa tới 2%, hiện nay đã làm ráo riết cũng mới nâng lên được 20%”. Chi cục trưởng Võ Chí Sĩ nói.
Ngư trường cạn kiệt
Ông Từ Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc, cho rằng thị trấn Sông Đốc giàu có từ biển và giậm chân tại chỗ cũng từ nghề biển.
Ông Hiền nói: “Mỗi con nước tàu vô, nếu biển trúng mùa thì phố xá nhộn nhịp, người đông cứng đường, mua bán tấp nập. Còn những chuyến biển thất bát thì không khí ở Sông Đốc rất ảm đạm, tàu càng lớn, nợ nần càng nhiều. Cái khó của nghề khai thác biển là ngư trường đã quá sức chịu đựng của đoàn tàu. Đã khai thác đến mức tôm cá không còn điều kiện để sinh sôi, lớn lên”.
Gia đình ông Nguyên Tấn Biểu, 60 tuổi, ở khu vực 2, thị trấn Sông Đốc, có đoàn tàu 16 chiếc với các nghề câu mực, trông đèn, lưới vây, cào khơi có thể bám biển dài ngày.
Ông kể: “Hồi trước, cầm lái con tàu hơn 50 CV đi một con trăng, có thể thu về 500 kg mực khô là chuyện nhỏ. Còn bây giờ, cầm con tàu hơn 100 CV đi suốt con trăng chỉ câu được 150 kg mực là mừng lắm rồi. Đầu tư đóng tàu lớn, gắn máy mạnh, trang bị thiết bị hàng hải hiện đại cộng với chi phí bám biển dài ngày nhưng không lời nhiều”.
Ông Phạm Thế Giới, ngư dân ở thị trấn Sông Đốc, nói: “Khai thác biển, không đi xa là không có tôm cá. Nhưng đi càng xa, chi phí càng cao, hiệu quả đánh bắt rất bấp bênh. Chỉ tính riêng giá xăng dầu, những năm gần đây liên tục tăng nhưng giá cá không tăng kịp. Khi cho tàu ra khơi là bắt đầu lo sợ giá cả ở đất liền tăng”.
Loay hoay tìm đường
Một số ngư dân ở Cà Mau mạnh dạn đầu tư đưa tàu đi khai thác cá ngừ vùng biển Đông nhưng đường xa, chi phí cao, ngư cụ không phù hợp, kinh nghiệm khai thác không có nên chỉ huề vốn hoặc lỗ.
Ông Trần Thanh Bình, ngư dân Sông Đốc, nói: “Khai thác vùng Biển Đông cần có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, về kỹ thuật và đảm bảo an toàn thì mới dám đi”.
Ông Nguyễn Hoàng Thịnh, chủ một cặp tàu cá đánh bắt xa bờ ở Kiên Giang, cho biết: “Bây giờ đi tìm ngư trường đánh bắt đỏ cả con mắt. Ngày xưa chủng loài cá phong phú, đi gần cũng có cá. Bây giờ đánh xa bờ mà cũng khó khăn. Một số loài cá ở Kiên Giang không còn thấy nữa như cá ngộ, cá liệt, cá sửu, cá rọc… Chúng tôi phải tính chương trình hợp tác đưa tàu ra nước ngoài đánh bắt”.
Ngư dân các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu cũng đã đưa tàu khai thác vươn ra vùng biển tranh chấp với các nước, và xảy ra tình trạng bị bắt đòi tiền chuộc, thậm chí ngư phủ bị bắt và tàu bị tịch thu làm cho bà con trắng tay.
Trong tình cảnh khó khăn, thực tế nhiều ngư dân đã hợp đồng “chui” với các nước lân cận để khai thác trong khi con đường hợp tác chính thức, hợp pháp vẫn chưa được mở.
>> GĐ Sở NN- PTNT tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử: “Quy hoạch không sát, quản lý lỏng lẻo đã thể hiện rất rõ trong quá trình phát triển nghề khai thác biển ở Cà Mau. Nhưng ngư trường chung toàn quốc, bà con ngư dân các tỉnh khai thác vùng biển chung. Việc quy hoạch đội tàu cho phù hợp với ngư trường phải được Bộ NN- PTNT thực hiện”. |