(TSVN) – 2020 qua đi đã để lại cho thế giới những vết thương vẫn đang rỉ máu. Thiên tai, dịch bệnh, thảm họa, xung đột, bạo động bao trùm nhiều nơi và biến 2020 trở thành một năm không thể nào quên trong những trang sử thế giới. Cùng nhìn lại những khoảnh khắc đắt giá nhất được ghi lại để thấy thế giới đã được và mất gì trong một năm đầy sóng gió.
Thảm họa virus corona bùng phát đầu tiên tại Trung Quốc khiến thị trường thủy, hải sản từng sôi động, nhộn nhịp nhất thế giới bắt đầu lao dốc từ Tết Nguyên đán Canh Tý. Dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường nội địa và nhập khẩu tại quốc gia này. Nhiều công ty thủy sản tươi sống bế tắc vì hàng tồn kho chất đống và không tìm được đầu ra. Tháng 2/2020, 71 thị trường hạn chế hoặc cấm thủy sản Trung Quốc do lo sợ dịch bệnh lây lan.
Nửa cuối tháng 3 đến đầu tháng 4, COVID-19 bắt đầu lan rộng toàn cầu. Hàng loạt nhà hàng, khách sạn – các kênh tiêu thụ thủy, hải sản chính tại các thị trường phương Tây đóng cửa. Hàng loạt sự kiện thương mại thủy sản quan trọng bị hủy hoãn làm mất đi cơ hội mở rộng kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên toàn thế giới. Sự thiếu hụt lao động và các thách thức kinh tế khác tác động tiêu cực lên sản xuất thủy sản toàn thế giới. Các vụ thu hoạch thủy sản nuôi trồng bị trì hoãn và mục tiêu thả nuôi vụ mới cũng giảm mạnh trong khi các đội tàu khai thác cá vẫn nằm bờ. Các hoạt động hạ nguồn gồm nhà chế biến cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu hụt nguyên liệu. Cùng đó, logistics đường biển bị trì trệ nhưng chi phí tăng đột biến và hàng loạt chuyến bay bị hủy bỏ cũng ảnh hưởng đến hoạt động giao dịch các mặt hàng thủy, hải sản tươi sống cao cấp.
2020 là năm chứng kiến số phận bấp bênh của rất nhiều mặt hàng thủy, hải sản chính trên thị trường toàn cầu. Giá tôm, cá hồi, rô phi đều tăng, giảm liên tục và có thời điểm chạm đáy. Tháng 4/2020 dịch bệnh lan sang châu Âu và Mỹ, giá cá hồi giao ngay chạm đáy 4,46 EUR/kg tại Oslo – giảm 44% so mức 8,02 EUR/kg của hồi đầu tháng 1 dù giá mặt hàng này đã từng có dấu hiệu phục hồi. Cùng đó tại Chilê, giá cá hồi fillet trim D xuất khẩu sang Mỹ và cá hồi bỏ đầu ruột xuất sang Brazil cũng rơi tự do.
Tại Andhra Pradesh, thủ phủ nuôi tôm của Ấn Độ, giá tôm tại cổng trại đã chạm đáy từ khi giá tôm toàn cầu lao dốc vào mùa hè 2018 vì người mua trên thị trường quốc tế e ngại nhập hàng trong bối cảnh các kênh dịch vụ thực phẩm bị đóng cửa – nơi tiêu thụ một lượng lớn tôm nuôi với doanh số cao hơn cá hồi. Giá trung bình tôm mua tại cổng trại theo ngày của TTCT HOSO cỡ 50 con/kg đã rớt xuống 260 INR/kg (3,45 USD/kg). Mặc dù giá tôm có thời điểm phục hồi, nhưng người nuôi tại đây nhận định có thể phải mất nhiều năm để sản xuất trở về mức bình thường. Trong khi, giá tôm nước lạnh khai thác tại vùng biển Atlantic cũng đã giảm mạnh xuống 7 – 8,4 bảng Anh/kg.
Tôm Ecuador đã chạm đáy vào cuối tháng 7/2020 và tiếp tục duy trì ở mức thấp trong những tuần đầu tháng 8/2020. Giá tôm tháng 8/2020 của Ecuador ở mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua khi tôm HOSO size 40/50 dưới 4 USD/kg giá FOB. Những tháng sau đó, giá tôm của Ecuador có thời điểm tăng nhẹ, nhưng đến cuối năm lại quay về mức thấp nhất thế giới.
Đợt bùng phát COVID-19 bắt đầu vào tháng 1/tháng 2 tại Trung Quốc và các đợt phong tỏa nghiêm ngặt sau đó đã đánh sập gần như hoàn toàn lĩnh vực dịch vụ ẩm thực tại nhiều nước châu Á. Tại Mỹ và châu Âu, lệnh phong tỏa và đóng cửa nhà hàng, khách sạn là giải pháp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả nhưng mặt trái đã khiến nhu cầu tiêu thụ thực phẩm từ các kênh dịch vụ ẩm thực biến mất. Tại Mỹ, Tập đoàn Pappas Restaurants có trụ sở tại Houston, Texas và Coastal Grille thuộc sở hữu của Rubio tại Carlsbad, California đang phải đóng cửa hàng loạt địa điểm kinh doanh; còn Pappas đã đóng cửa vĩnh viễn 5 địa điểm tại Houston, bao gồm Pappas Seafood House, Pappadeaux Seafood Kitchen và Pappas Shrimp Shack.
Trong khi đó, doanh số bán lẻ tăng vọt. Nikolik, một chuyên gia tại Rabobank cho rằng, phân khúc bán lẻ đã cứu sống nhiều công ty thủy, hải sản trước nguy cơ sụp đổ. Cũng trong năm 2020, phân khúc bán lẻ thắng lớn ở cả 2 nhóm mặt hàng đông lạnh và tươi; các chuỗi siêu thị tích cực tiếp thị để đẩy mạnh doanh số bán hàng. Food Lion, một chuỗi siêu thị tại Mỹ của Tập đoàn Ahold Dellhaize đã dùng kênh online và chiến lược “đồng tiếp thị” để giữ chân khách hàng và giúp họ duy trì thói quen tiêu dùng thủy sản tại nhà.
Nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm đông lạnh và đồ hộp tăng vọt trong thời điểm dịch bệnh bùng phát; cùng đó, các kênh phân phối online cũng được chú ý nhiều hơn. Theo thống kê của Liên minh NTTS toàn cầu (GAA), xu hướng tiêu dùng thủy, hải sản tại nhà lan rộng khắp tại thị trường Mỹ và vẫn được duy trì kể cả khi dịch bệnh bớt căng thẳng. Trước đây, khách hàng chỉ ăn món fillet cá hồi tại nhà hàng, thì nay món này trở thành thức ăn quen thuộc trong các bữa cơm gia đình. Một chuỗi siêu thị tại Mỹ đã thống kê lượng tiêu thụ cá hồi và tôm tăng 40%, còn tiêu thụ cua và cá tuyết tăng gấp đôi. Cá hồi và tôm trở thành những từ khóa tìm kiếm nhiều nhất trên Google trong năm qua là bằng chứng cho thấy đại đa số người tiêu dùng ở những thị trường phương Tây bắt đầu quan tâm đến chế biến thủy, hải sản tại nhà. Ngoài những sản phẩm truyền thống như cá ngừ hộp, người tiêu dùng đã mua nhiều loại thủy sản khác để chế biến các món ăn cho gia đình.
Khắp nơi, từ những người nuôi cá chẽm châu Âu đến nhà xuất khẩu tôm tại châu Á đều thực hiện chiến lược tăng nguồn cung sản phẩm giá trị gia tăng và tiếp thị trực tiếp sản phẩm qua kênh bán hàng trực tuyến mà không qua trung gian. Nhiều công ty đã nhanh chóng thay đổi như chuyển sang chế biến sản phẩm ăn liền để tiết kiệm thời gian chế biến cho người tiêu dùng. Như Blue Apron và HelloFresh đã tung ra sản phẩm bếp ăn tiện lợi – đây là những món ăn đa dạng được chế biến từ thủy, hải sản, có thể ăn liền mà không cần mất thời gian chế biến.
Bắt đầu từ việc Chính quyền Bắc kinh phát hiện virus corona trên thớt gỗ – dụng cụ làm cá hồi tại một chợ hải sản ở Bắc Kinh vào tháng 7/2020; đáng nói, cá hồi tại đây được nhập khẩu từ Na Uy. Tháng 8/2020, Trung Quốc tiếp tục phát hiện virus corona trên bao bì tôm đông lạnh nhập khẩu từ Ecuador. Ngay lập tức, chủ nhân của các lô hàng này gồm 3 công ty Industrial Pesquera Santa Priscila, Empacadora Del Pacifico Sociedad Anonima Edpacif và Empacreci của Ecuador đều bị tạm đình chỉ xuất khẩu tôm sang Trung Quốc. Ngày 8/12/2020, Trung Quốc đã tạm dừng nhập khẩu thủy sản đông lạnh của Indonesia sau khi phát hiện virus corona (SARS-CoV 2 gây ra COVID-19) trong các mẫu sản phẩm.
Sau đó, Trung Quốc đã siết chặt kiểm dịch hàng lạnh nhập khẩu bằng đường biển, đường hàng không và đường bộ gây tình trạng hàng hóa ùn ứ và tắc nghẽn tại các cảng biển, cửa khẩu. Quyết định này gây nhiều khó khăn cho các hãng xuất khẩu và ít nhiều ảnh hưởng đến dòng chảy hàng hóa trên thế giới; bởi Trung Quốc cũng là thị trường tiêu thụ lớn nhất của một số mặt hàng như cá tra Việt Nam, tôm Ấn Độ, cá hồi Na Uy hay tôm hùm Bắc Mỹ… Các nước xuất khẩu cá hồi và nhiều thủy sản khác có thể sẽ phải đối mặt với các quy định nghiêm ngặt hơn khi xuất khẩu sang Trung Quốc sau khi nhà chức trách nước này quyết định cấp giấy chứng nhận kiểm dịch mới với những yêu cầu khắt khe hơn và sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2021.
Vũ Đức