(TSVN) – Hết năm 2020, ngành hàng cá tra trải qua thời kỳ mất giá kéo dài nhất trong các chu kỳ biến động giá trước nay, hơn 18 tháng và trong khó khăn đã xuất hiện sự tái cấu trúc mạnh mẽ theo thị trường, thể hiện một nền tảng khá vững chắc.
Thống kê của VASEP cho thấy, năm 2020, xuất khẩu cá tra đạt 1,5 tỷ USD, giảm 23% cùng kỳ năm 2019. 5 doanh nghiệp hàng đầu là Vĩnh Hoàn với hơn 202 triệu USD, Biển Đông 87 triệu USD, Nam Việt 71 triệu USD, IDI 69 triệu USD và Văn Đức 59 triệu USD. Còn về sản lượng xuất khẩu, 5 doanh nghiệp hàng đầu có khác, điều này cho thấy, giá xuất khẩu của các doanh nghiệp khá chênh lệch nhau.
Ở thị trường Mỹ có 4 doanh nghiệp được ưu đãi về thuế là Vĩnh Hoàn với thuế suất 0%; Biển Đông 0,19%; NTSF và Caseamex 0,15% (kim ngạch xuất khẩu trong 11 tháng của NTSF là 40.016.711 USD, Caseamex 15.378.240 USD). Giá xuất khẩu bình quân của các doanh nghiệp này cũng chênh lệch nhau, từ hơn 2,3 USD/kg đến hơn 2,8 USD/kg. Lãnh đạo một doanh nghiệp có giá xuất khẩu cao giải thích, sản phẩm chủ yếu là fillet đông lạnh nhưng chế biến theo tiêu chuẩn của hệ thống siêu thị để cung cấp vào hệ thống đó. “Nhiều năm rồi, chúng tôi tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm theo đặt hàng của hệ thống siêu thị, đảm bảo ATTP, truy xuất nguồn gốc. Khi bùng nổ dịch COVID-19, công tác quản lý an toàn càng thắt chặt từ nuôi trồng đến chế biến, mấy nghìn công nhân hạn chế tiếp xúc bên ngoài, từ đó sản lượng và giá xuất khẩu vẫn ổn định, vượt được khó khăn”, vị lãnh đạo chia sẻ.
Năm 2020 còn chứng kiến nhiều doanh nghiệp nỗ lực chiếm lĩnh thị trường nội địa bằng đa dạng sản phẩm, nâng cao chất lượng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam. Vĩnh Hoàn trong lúc duy trì xuất khẩu, đã chế biến 20 sản phẩm phục vụ thị trường trong nước với điểm chung là tiện dụng như Chủ tịch Trương Thị Lệ Khanh bày tỏ: Chỉ cần 1 – 2 phút với lò vi sóng là có bữa ăn ngon, đầy hương vị. Thông điệp Công ty Vĩnh Hoàn đưa ra: Chất lượng sản phẩm trong nước như xuất khẩu.
Phục vụ người tiêu dùng trong nước với sản phẩm chế biến theo tiêu chuẩn EU cũng là thông điệp Công ty CP Nam Việt đưa ra kèm lô cá tra đầu tiên có mặt ở Hà Nội vào ngày 6/10/2020 để lan tỏa miền Bắc. Đây là kết quả hợp tác giữa Nam Việt với Công ty CP Tập đoàn An Việt chuyên phân phối thực phẩm ở Hà Nội. Chủ tịch An Việt cho biết, sản phẩm chế biến phù hợp khẩu vị người dân phía Bắc được đưa tới các bếp ăn tập thể, trường học, khu công nghiệp và phân phối qua kênh thương mại điện tử.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Võ Hùng Dũng phân tích, giá cá giảm đến 50% trong thời gian dài nhưng vẫn có một số doanh nghiệp lớn đầu tư thay đổi chiến lược kinh doanh, tận dụng công nghệ để làm chủ thị trường cho thấy nền tảng ngành hàng cá tra khá vững chắc. Giá cá giảm rồi lại tăng đã mang tính chu kỳ, độ dài thông thường một năm, lần này thời gian tăng giá kéo dài trên hai năm, biên độ tăng cao, giảm giá cũng kéo dài tính đến cuối năm 2020 đã hơn 18 tháng. Dự báo, năm 2021 là thời kỳ phục hồi nhưng bắt đầu lúc nào thì còn tùy thuộc nhu cầu thị trường và vừa qua, các doanh nghiệp chú trọng đến thị trường nội địa là một bước xoay chuyển đúng hướng.
Bức tranh thị trường cá tra, theo ông Dũng, Mỹ chỉ còn chiếm 15%, Trung Quốc đã đến 35% và dự báo còn tiếp tục tăng, EU và các nước Đông Nam Á ở dưới mức 10%. Các quan sát đang tập trung vào thị trường Trung Quốc.
Theo phân tích của VCCI Cần Thơ, thị trường Mỹ và EU rất tiềm năng gia tăng lợi nhuận với các sản phẩm giá trị cao như nhóm hàng ăn liền và nấu sẵn vốn được ưa chuộng, tỷ suất lợi nhuận gộp của các sản phẩm này là 22 – 25%. Các doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất và công nghệ để chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng là một hướng đi có nhiều cơ hội.
Sự đối lập đến từ sự tăng trưởng thị trường Trung Quốc. Mức nhu cầu cao của thị trường Trung Quốc trong ngắn hạn có thể là rủi ro tiềm ẩn với ngành hàng cá tra Việt Nam, bởi Trung Quốc đang phát triển các vùng nuôi để tự phục vụ. Trung Quốc hiện có 20 nhà máy chế biến cá tra với năng lực sản xuất ước tính 30.000 tấn và đang được đẩy mạnh.
Với thị trường nội địa, cá tra rất tốt để phục vụ khách hàng có thu nhập không cao. Dự báo quy mô tiêu dùng của ngành thủy sản nội địa có thể lên đến 1 tỷ USD và cá tra phát triển thị trường nội địa còn tạo vùng đệm an toàn cho xuất khẩu.
Sáu Nghệ