T2, 06/07/2020 10:11

Về Xuân Đan, gặp ông Phong “bắt cát sinh tôm”

Chưa có đánh giá về bài viết

…“Ông Phong là một tấm gương sáng; trang trại nuôi tôm trên cát của ông Phong là một mô hình tốt, cần nhân rộng” – Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Nguyễn Thanh Bình khẳng định như vậy khi nói về kỹ sư Bùi Tùng Phong (ở Xuân Đan, Nghi Xuân, Hà Tĩnh).

Nuôi chí lớn

Tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp loại giỏi, Bùi Tùng Phong được chọn ở lại trường giảng dạy. Bảy năm sau, Phong xin về Nghệ Tĩnh, mong được trực tiếp góp phần xóa đói giảm nghèo cho quê hương.

Ông Bùi Tùng Phong bên cánh đồng nuôi tôm gần ngày thu hoạch

Từ chuyên viên Phòng Nông nghiệp huyện, ít năm sau ông đã được đề bạt trưởng phòng rồi Phó chủ tịch, Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân. Có 2 bằng đại học kinh tế, kỹ thuật, 9 năm chuyên phụ trách nông nghiệp, Bùi Tùng Phong còn khá am hiểu văn học nghệ thuật. Khi còn làm Chủ tịch UBND huyện, ông có nhiều ý tưởng mới, giàu sức thuyết phục, như: Trong khu lưu niệm đại thi hào Nguyễn Du phải có một vườn hoa, vườn tượng minh họa cho Truyện Kiều, để du khách đến đây được gặp lại tất cả các loài hoa, các nhân vật trong truyện. Ông cũng là một trong những người chủ trương khôi phục ca trù và đưa ca trù vào trường học, câu lạc bộ. Nhờ đó làng Cổ Đạm, cái nôi ca trù của Nghệ Tĩnh hồi sinh, Nghi Xuân trở lại là địa chỉ ca trù có tiếng trong cả nước. Ông ủng hộ mạnh mẽ chủ trương đưa dân Cương Gián đi xuất khẩu lao động (XKLĐ); phát huy tác dụng Quỹ Tín dụng xã, giúp người dân có chỗ vay tiền đi XKLĐ. Ông hết sức ủng hộ việc biến bãi biển Xuân Thành đìu hiu sớm trở thành điểm du lịch hấp dẫn, đầy tiềm năng…

Đang say sưa với bao dự định làm giàu làm đẹp cho vùng quê nghèo, bỗng ông vướng nỗi oan từ sự đố kị, phải rẽ sang khúc khác. Khi nỗi oan được giải, Bùi Tùng Phong được giao làm Giám đốc Sở Thủy sản. Cũng nhờ thế, ông tích góp được không ít kinh nghiệm từ cái nghề “được to, lo lớn”.

Trẻ, khỏe, vui hơn

Mới rời chốn công đường được mấy tháng, Bùi Tùng Phong đã quyết định: Phải biến những bãi cát rộng lớn ở Nghi Xuân thành tiền bạc. Theo ông, nếu biết tập trung đầu tư làm du lịch và nuôi trồng thủy sản, nơi đây sẽ nhanh chóng thoát nghèo. Và ông chọn Xuân Đan làm điểm khởi đầu.

Được Đảng bộ, nhân dân ở đây đồng tình ủng hộ, bằng công sức và mồ hôi của Bùi Tùng Phong, trên vùng cồn bãi bao năm mênh mông cát và lưa thưa cây phi lao còi cọc, nhanh chóng mọc lên đồng tôm 6 ha. Hàng chục máy sục ôxy cần mẫn xoay tít, dào nên những đợt sóng xanh. Nhiều khi quên ăn quên ngủ, Bùi Tùng Phong suốt ngày bận rộn chạy chỗ này chỗ kia, hướng dẫn công nhân chăm sóc tôm. Những ngày đầu khá vất vả. Lo tìm vốn, chỉ đạo san lấp, lắp đặt hệ thống máy móc, đường ống dẫn nước, xây trạm điện… Ngày trước muốn làm gì chỉ cần ra lệnh. Nay một mình vừa chỉ đạo chung vừa kiêm đủ việc: kế hoạch, tài vụ, thi công, lái xe… Nhiều hôm trái gió trời, bệnh già thăm hỏi, ông phải chỉ huy qua điện thoại; bởi nuôi tôm là thời vụ, thả chậm hay sớm đều mất ăn.

Bùi Tùng Phong bảo, riêng đường điện cao thế và trạm biến áp 180 KVA phục vụ trại đã phải chi 1,2 tỷ đồng; xúc đổ hai núi cát, biến nó thành 10 hồ, cũng mất hơn tỷ đồng. Đầu tư vào 5 ha mặt nước, không dưới 2 tỷ đồng nữa. Tiền vốn của riêng mình ít thôi, chủ yếu của bạn bè, ngân hàng, nên mình phải tính toán kỹ. Nhờ nhiều năm làm thủy sản bám sát cơ sở, chịu khó đi đây đó học hỏi, đúc rút kinh nghiệm thành bại về nuôi tôm, ông càng vững tin.

Nhằm giữ sạch môi trường, ông Phong đã lắp đặt hệ thống rút nước đáy ao bằng hàng trăm mét ống nhựa

Năm 2011, sau hơn 3 tháng thi công, thả thử 1 ha giống tôm he chân trắng, thu về hơn 30 tấn. Đầu năm nay, do dịch bệnh và giá cả khó khăn chung, trại của anh chỉ thả một phần diện tích, cũng thu được 20 tấn sản phẩm. Kết quả hai vụ tôm vậy là tạm được; còn nhiều bỡ ngỡ nhưng năng suất đã 10 tấn/ha.

Bùi Tùng Phong nói, đầu tư vào đây vì mộng làm giàu cho riêng anh thì ít, muốn lôi cuốn mọi người làm theo thì nhiều. “Vì sao chỉ cổ súy cho cánh đồng 50 triệu/1 ha mà quên thế mạnh vùng bãi ngang, ven biển? Với đất này, đầu tư đúng cách, 1 ha có thể bố trí việc làm cho 4 – 5 người, thu 2 – 3 tỷ đồng/năm. Xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới về kinh tế cho Nghi Xuân và các vùng đất tương đồng, không gì tốt hơn anh này.

Theo Phong, người nuôi tôm muốn tránh rủi ro cần lưu tâm nhất việc bảo vệ môi trường và phòng chống dịch bệnh; ăn xổi ở thì là bại ngay. Để xanh hóa môi trường vùng cát trắng này, ông đi Hồng Lĩnh mua cả vườn xoài về trồng. Nhằm giữ sạch môi trường nước, ông mua hàng trăm mét ống nhựa, lắp đặt hệ thống rút nước đáy tống ra khỏi ao; thả hàng tạ cá rô phi khử tạp chất; dùng vi sinh cải tạo môi trường. Vì thế, hai vụ rồi, nước thải trại này được công nhận không ô nhiễm.

>> Trông ông Phong trẻ hơn tuổi 63, bệnh tật cũng giảm, có lẽ nhờ lao động. Đồng tôm của ông trở thành điểm hội tụ bạn bè, cũng là nơi trao đổi kinh nghiệm nuôi tôm trên cát. Sau Bùi Tùng Phong, nơi đây đã có thêm mấy hộ làm trang trại nuôi tôm kỹ thuật cao.

Khắc Hiển

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!