(TSVN) – Phân tích mới đây của Guardian từ 44 nghiên cứu đã phát hiện gần 40% trong tổng số 9.000 mẫu sản phẩm hải sản từ các nhà hàng, thị trường và cửa hàng kinh doanh đều bị dán nhãn sai.
Phân tích Seacape trên 44 nghiên cứu gần đây của Guardian với 9.000 mẫu hải sản từ các nhà hàng, cửa hàng kinh doanh và siêu thị tại hơn 30 quốc gia đã phát hiện 36% số cá này đều bị dán nhãn sai. Đây là minh chứng cho thấy nạn khai thác trộm hải sản vẫn đang diễn ra trên toàn cầu.
Nhiều nghiên cứu được sử dụng liên quan đến kỹ thuật phân tích DNA mới. Khi so sánh doanh số cá dán nhãn “cá hồng” từ cửa hàng, siêu thị và nhà hàng tại Canada, Mỹ, Anh, Singapore, Australia và New Zealand, các nhà nghiên cứu phát hiện tỷ lệ dán nhãn sai chiếm 40% số cá được kiểm tra. Anh và Canada có tỷ lệ “cá giả” cao nhất trong nghiên cứu này với 55%, tiếp đó là Mỹ với tỷ lệ 38%.
Cá giả tràn lan vẫn đang diễn ra trên toàn cầu
Đôi khi cá được dán nhãn như các loài khác nhau trong cùng một họ. Ví dụ tại Đức, 48% mẫu cá kiểm tra đều được dán nhãn sò điệp king nhưng thực tế lại là sò điệp cỡ nhỏ của Nhật Bản. Trong số 130 mẫu fillet cá mập được mua về từ các chợ cá tại Italia và cửa hàng, các nhà nghiên cứu phát hiện 45% bị dán nhãn sai. Thực chất số cá giả này đều là sản phẩm rẻ hơn hoặc là những loài không phổ biến.
Đánh bắt trộm hải sản từ lâu đã là vấn đề nhức nhối của toàn thế giới. Vì hải sản là một trong những mặt hàng được kinh doanh phổ biến nhất trong nhóm hàng thực phẩm, thường qua các chuỗi cung ứng phức tạp và thiếu minh bạch. Và đây cũng là nhóm hàng rất dễ bị giả mạo. Phần nhiều sản lượng khai thác hải sản toàn cầu được vận chuyển từ các tàu cá đến tàu chuyển tải khổng lồ để chế biến – nơi dán nhãn sai rất dễ thực hiện.
Có quá nhiều cơ hội xuyên suốt chuỗi cung ứng hải sản để người kinh doanh có thể phù phép cá rẻ tiền thành các loại cá có giá trị cao hơn, hoặc biến cá nuôi thành cá tự nhiên, theo Beth Lowell, Phó Tổng giám đốc chương trình Mỹ tại tổ chức phi chính phủ về đại dương Oceana. Các nghiên cứu của tổ chức này cho thấy tình trạng giả mạo nhãn dán mặt hàng hải sản phổ biến khắp nơi.
Trong một nghiên cứu quy mô lớn về thực trạng dán nhãn sai tại châu Âu với sự tham gia của hơn 100 nhà khoa học cùng mẫu hải sản được thu thập từ 180 nhà hàng tại 23 quốc gia. Nhóm nghiên cứu đã gửi 283 mẫu cùng mô tả thực đơn, ngày, giá và tên, địa chỉ nhà hàng cho 1 phòng thí nghiệm. DNA ở mỗi mẫu sản phẩm được phân tích để nhận biết loài, sau đó so sánh với tên trên thực đơn của nhà hàng. Kết quả, cứ 3 nhà hàng thì có 1 nhà hàng bán hải sản gian lận nhãn mác.
Tỷ lệ dán nhãn sai cao nhất của các nhà hàng dao động từ 40 – 50% được ghi nhận tại Tây Ban Nha, Iceland, Phần Lan và Đức. Các loại như cá mú và cá chim gai thường bị giả mạo nhiều nhất, trong khi các loại cá như rô biển, bơn, ngừ vây xanh, ngừ vây vàng có tỷ lệ sai nhãn dán lên tới 50%.
Loại cá giá rẻ như cá tra thường được sử dụng để giả mạo các loại cá thịt trắng đắt tiền vì nó có hương vị tương tự cá tuyết cod, cá bơn và haddock. Cá tra được nuôi phổ biến tại Việt Nam. Một số sản phẩm hỗn hợp khác cũng dễ bị giả mạo như viên tôm mua ở Singapore được ghi nhận tỷ lệ dán nhãn sai 38,5%. Tại Trung Quốc, 153 sản phẩm fillet cá nướng từ 30 nhãn hiệu trên thị trường nội địa được kiểm tra và tỷ lệ dán nhãn sai là 58%, một con số báo động. Đáng lo ngại, người bán đã sử dụng cả những loại cá có độc, thuộc họ cá nóc để lừa người tiêu dùng.
Cá giả tràn lan tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe người tiêu dùng
Cá giả tràn lan tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe người tiêu dùng. Loại cá thường được sử dụng để giả mạo cá ngừ là cá đen (Escola) chứa nhiều dầu khó tiêu hóa. Một số cá giả khác còn chứa ký sinh trùng có thể đe dọa sức khỏe người tiêu dùng. Số khác ít dinh dưỡng, ví dụ cá rô phi được dán nhãn sai để giả mạo cá hồng. Rõ ràng, nếu so với cá hồng, cá rô phi kém xa về giá trị dinh dưỡng, đặc biệt là lượng axit béo omega-3.
Tổ chức Ocena đã thực hiện gần 20 cuộc điều tra về dán nhãn sai, đồng thời cũng tiến hành cuộc khảo sát toàn cầu vào năm 2016 với 200 nghiên cứu từ 55 quốc gia và phát hiện ra trung bình 5 mẫu cá từ cửa hàng, siêu thị và nhà hàng, sẽ có 1 mẫu dán nhãn sai. Năm ngoái, Oceana phát hiện 47% trong số các mẫu kiểm tra từ các cửa hàng bán lẻ thực phẩm và nhà hàng tại 6 thành phố thuộc Canada bị dán nhãn sai.
Rashid Sumaila, một chuyên gia kinh tế ngành thủy sản tại Viện Nghiên cứu biển và khai thác thủy sản, Đại học British Columbia cho biết, trong một nghiên cứu vào năm 2020, khoảng 8 đến 14 tấn cá bị khai thác trái phép hàng năm. Khai thác trái phép (IUU) vẫn diễn ra khắp vùng biển châu Phi, châu Á và Nam Mỹ. Thông thường, lượng cá IUU này được chế biến trên các tàu chuyển tải lớn. Tại đây, giả mạo nhãn dán và trộn cá khai thác hợp pháp với cá IUU được thực hiện tương đối kín đáo. Theo Oceana, dù thực hiện nhiều giải pháp ngăn chặn, đáng tiếc đến nay thực trạng dán nhãn sai vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện.