Khi những đợt gió đầu tiên mang chút rét đầu đông tràn về cũng là lúc người dân Cửa Tùng (H. Vĩnh Linh, Quảng Trị) nô nức hái “lộc trời”.
“Lộc trời” là tên gọi quen thuộc của rau mứt biển, thường xuất hiện từ tháng 9 đến tháng 1 (âm lịch) hằng năm. Rau mứt mọc tại các bãi đá ven biển nên thời điểm hái rau cũng tùy thuộc vào “con nước”, thường bắt đầu khi thủy triều rút và kết thúc khi thủy triều lên.
Người dân hái mứt biển ở Cửa Tùng – Ảnh: Phạm Tùng
Hái rau mứt không khó nhưng phải có kỹ thuật riêng. Rau mứt khá nhỏ và bám rất chắc vào đá, khi hái phải cẩn thận ngắt từng cọng nhỏ và cố không làm rau bị nát mới bán được giá. Có một cách hái khác là dùng muỗng. “Người hái phải kiên nhẫn hái từng cọng một thì rau mới không bị dập nát”, chị Lê Thị Năm (54 tuổi, khu phố An Hòa 1) chia sẻ. Vào ngày nghỉ, bên cạnh những người phụ nữ, các em nhỏ cũng tranh thủ đi hái mứt để phụ giúp gia đình. “Hai ngày cuối tuần được nghỉ học, em tranh thủ cùng mẹ đi hái rau mứt kiếm tiền mua đồ dùng học tập” em Hoàng Anh Tuấn, một học sinh lớp 5 tâm sự.
Rau mứt thường mọc tốt ở bìa các mỏm đá nằm xa bờ nhưng hái ở đó thường nguy hiểm hơn. Vì vậy những người trẻ tuổi, chạy nhanh mới dám ra hái. Chị Nguyễn Thị Hoa (40 tuổi, khu phố An Hòa 2) cho biết: “Hái tại các mỏm đá thì phải mặc áo mưa để tránh bị ướt khi sóng biển đánh. Ngoài ra, phải cố ngồi thật vững và sẵn sàng chạy khi có sóng to, nếu không sẽ bị đánh rơi xuống biển, rất nguy hiểm ”.
Những năm gần đây, khi giá trị dinh dưỡng cũng như tác dụng chữa một số bệnh của rau mứt được phổ biến thì giá trị của rau mứt cũng được tăng lên. Hiện tại giá 1 kg rau mứt tươi tại Cửa Tùng có giá khoảng 40 ngàn đồng đã tạo ra một nguồn thu nhập không nhỏ cho người dân. “Với một người hái bình thường, mỗi ngày cũng hái được 3-4kg, bán cũng được 100-150 ngàn đồng. Đủ để giúp chúng tôi cải thiện phần nào cuộc sống” – chị Nguyễn Thị Dinh (42 tuổi, khu phố An Hòa 2) chia sẻ.