Công nghệ nâng tầm tôm Việt

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Ngành tôm là một trong những nhóm ngành có tốc độ tăng trưởng cao trong lĩnh vực thủy sản nhiều năm qua, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, mang lại giá trị xuất khẩu tới hàng tỷ USD. Một trong những nhân tố góp phần tạo nên thành tựu to lớn này chính là khoa học công nghệ. Đây cũng là mảnh đất màu mỡ thu hút sự tham gia nghiên cứu, đầu tư của rất nhiều doanh nghiệp hàng đầu về thủy sản. Công nghệ đã góp sức để tôm Việt vươn tầm thế giới.

Thành tựu vượt bậc

Từ những năm cuối thập kỷ 1991 – 2000, nuôi tôm thâm canh, công nghiệp mới bắt đầu được đầu tư phát triển; đến nay, trải qua hơn 30 năm, ngành tôm Việt Nam đã đạt nhiều dấu ấn quan trọng trên nhiều lĩnh vực từ nuôi trồng đến chế biến, xuất khẩu.

Giai đoạn 1995 – 2000: Đây là giai đoạn sơ khai nuôi tôm công nghiệp nhưng còn manh mún và tự phát, nghề nuôi chủ yếu dựa vào thiên nhiên. Tuy vậy trong giai đoạn này, đã xuất hiện một số cơ sở chế biến hiện đại đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào châu Âu.

Giai đoạn 2000 – 2010: Năm 2000, kim ngạch xuất khẩu tôm lần đầu vượt mức 600 triệu USD. Năm 1999, lần đầu tiên Ủy ban châu Âu (EC) công nhận 18 doanh nghiệp chế biến Việt Nam đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường EU, đánh dấu bước tiến hội nhập mới của thủy sản Việt Nam, là nền tảng quan trọng cho việc mở rộng xuất khẩu vào thị trường các nước công nghiệp khác.

Nuôi tôm công nghệ cao đang dần trở thành xu hướng chính trong phát triển ngành tôm Việt. Ảnh: Trần Út

Việt Nam hiện là quốc gia nuôi tôm lớn trên thế giới, xuất khẩu đi hơn 160 quốc gia với giá trị kim ngạch năm 2018 là 3,55 tỷ USD, chiếm gần 15% tổng giá trị xuất khẩu tôm toàn thế giới. Năm 2020, mặc dù chịu tác động sâu sắc từ đại dịch COVID-19 nhưng ngành tôm Việt vẫn bứt tốc mang về giá trị 3,8 tỷ USD, tăng 14,5% so năm 2019.

Thành tựu về kim ngạch xuất khẩu này là nỗ lực của cả cộng đồng người nuôi và doanh nghiệp, các nhà khoa học…; trong đó, phải kể đến bước tiến không ngừng trên lĩnh vực công nghệ. Khi công nghệ trở thành yếu tố then chốt mang lại sản lượng lớn, chất lượng sản phẩm phục vụ cho chế biến xuất khẩu ngày một cao hơn; đưa sản phẩm tôm Việt thâm nhập ngày một sâu rộng vào thị trường tôm toàn cầu.

Xu hướng công nghệ cao

Ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất thủy sản nói chung, nuôi tôm nói riêng đã và đang trở thành xu thế tất yếu hiện nay. Theo đó, nhờ áp dụng những tiến bộ về khoa học, kỹ thuật trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến đã giúp ngành tôm nâng cao năng suất, chất lượng, đáp ứng yêu cầu, tạo thêm sức cạnh tranh và uy tín của sản phẩm tôm Việt Nam tại thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

Thời quan qua, đã có rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn tiên phong nghiên cứu áp dụng các mô hình nuôi tôm công nghệ cao, tạo sản lượng lớn, chất lượng ổn định. Điển hình như mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kín, mô hình CPF-Combine, công nghệ 2-3-4, ương tôm mật độ cao Raceway, nuôi tôm siêu thâm canh trong ao tròn nổi theo công nghệ Biofloc, công nghệ BioSipec, công nghệ Semi-Biofloc… Bên cạnh đó, công nghệ điều khiển giới tính đã được áp dụng tại Việt Nam. Hệ thống nuôi tuần hoàn (RAS) đã được áp dụng tại một số cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ của một số đơn vị như: Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, Tập đoàn thủy sản Việt – Úc… cho kết quả tốt.

Đặc biệt, việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi tôm còn có sự tham gia của các doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ ngày càng thường xuyên và thực chất hơn. Điển hình là các doanh nghiệp đầu tàu như: Minh Phú, Việt – Úc; C.P., Thăng Long, Uni-President, Vĩnh Thịnh, Trúc Anh… đã tạo động lực và kết nối mạng lưới nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trong cộng đồng nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu tôm thời gian qua.

Thống kê của Bộ NN&PTNT, cả nước hiện trên 200.000 ha nuôi tôm công nghệ cao, trong đó tập trung chính tại hai tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng với tổng diện tích khoảng 186.000 ha. Hai địa phương này được các doanh nghiệp nước ngoài tập trung đầu tư nguồn lực phục vụ cho chế biến và xuất khẩu.

Như tại Bạc Liêu, thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, đặc biệt mô hình nuôi tôm siêu thâm canh là điểm nhấn, tạo bước đột phá trong nghề NTTS của tỉnh. Hiện, toàn tỉnh có gần 30 công ty, đơn vị đầu tư nuôi TTTC siêu thâm canh theo mô hình ứng dụng công nghệ cao, áp dụng công nghệ nhà màng của Israel; công nghệ cho ăn tự động của Australia; công nghệ sinh học xác định tình trạng sức khỏe của tôm và 467 hộ dân tham gia mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn với tổng diện tích 2.250 ha (tăng gấp 29,6 lần so năm 2015) và cho tổng sản lượng thu hoạch 47.500 tấn (năng suất bình quân 21,11 tấn/ha). Với thế mạnh này, Bạc Liêu được xem là địa phương có nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao hàng đầu quốc gia, có thứ hạng cao trong khu vực Đông Nam Á.

Là một trong những doanh nghiệp thủy sản hàng đầu tại tỉnh Sóc Trăng, hai năm qua, Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam (Vina Cleanfood) đã đầu tư trên 350 tỷ đồng vào vùng nuôi tôm công nghiệp trên 140 ha, với hàng trăm ao nuôi hình tròn nổi (trên mặt đất). Nguồn vốn đầu tư mỗi ao hàng trăm triệu đồng, được xây dựng kết cấu bê tông nhẹ và lót bạt đáy. Một năm có thể thả nuôi 3 vụ, năng suất đạt từ 8 – 12 tấn/ha và tăng dần theo từng năm. Dự kiến cả năm 2021 sẽ đạt tổng sản lượng cao nhất, khoảng 3.500 tấn.

Với xu thế chuyển dần sang nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh và cùng với đó là sự lớn mạnh, phát triển không ngừng của đội ngũ doanh nghiệp chế biến thủy sản nói chung, chế biến tôm nói riêng; trong tương lai không xa, ngành tôm kết hợp ứng dụng công nghệ cao dần trở thành triển vọng của ngành thủy sản; góp phần nâng cao vị thế của tôm Việt trên thị trường toàn cầu.

Ngọc Ngọc

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!